Hoa hồng bạch xếp hay hoa hồng bạch cổ Nam Định là một trong các giống hoa hồng cổ Việt Nam. Dưới đây, KiViBaRa tổng hợp các thông tin về cây hồng này bao gồm nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, công dụng và lợi ích cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.
Nội dung chính
1. Nguồn gốc
Đến nay, xuất xứ của cây hồng bạch xếp vẫn còn là một bí ẩn. Chúng ta chỉ biết rằng nó đã xuất hiện ở nước ta từ rất rất lâu rồi. Trước kia chúng được tìm thấy tại Nam Định và một số tỉnh phía Bắc, nay đã được nhân giống và phát triển rộng khắp.
2. Đặc điểm
Hoa hồng bạch xếp cổ là một giống hồng bụi, có sức sống khá tốt (tốt hơn nhiều so với hồng bạch ho), ít bị sâu bệnh hại, sinh trưởng phát triển tốt và có tuổi thọ rất cao.
Cây có nhiều cành nhánh và gai. Lá kép lông chim mọc cách, xung quanh phần lá chét có nhiều răng cưa nhỏ.
Rễ cây thuộc loại rễ chùm, ăn ngang rộng, khi cây phát triển mạnh thì sẽ phát sinh nhiều rễ phụ.
Kích thước trung bình của cây trưởng thành là cao 1,5 – 3,5 m, đường kính tán 2 – 3 m.
Hoa hồng bạch xếp là một trong những giống hoa hồng có độ sai hoa và độ lặp hoa tốt nhất.
+ Hình dáng hoa:
Hoa cánh kép, mỏng, số lượng cánh từ 20 – 30 cánh, các lớp cánh xếp chồng lên nhau và bung xòe. Cây cho bông chùm 5 – 7 bông, đường kính bông 5 – 8 cm.
+ Màu sắc:
Hoa màu trắng ngần
+ Hương thơm:
Hương thơm nhẹ nhàng mùi xả
+ Độ lặp hoa:
Cứ 4 – 5 tuần cho một lứa hoa, cây rất sai hoa và ra hoa liên tục quanh năm (cây cho hoa nhiều vào mùa đông đến mùa xuân).
+ Độ bền hoa:
Hoa từ khi chớm nở tới khi tàn từ 2 – 5 ngày
3. Phân biệt hồng bạch xếp và hồng bạch ho
Hoa bạch ho có phom cúp, bông có ít cánh hơn, cánh to và thường rũ xuống.
Lá bạch ho to hơn, thân đốt dài hơn, mức độ lặp hoa và độ sai hoa của bạch ho kém hơn.
Màu trắng của hoa bạch ho có phần đẹp và tinh tế hơn.
4. Công dụng và lợi ích
KiViBaRa tóm lược một số công dụng cũng như lợi ích của cây hoa hồng bạch xếp:
+ Hoa có thể được cắt lấy bông thắp hương trong những ngày lễ tết, mồng một, ngày rằm.
+ Trồng trong sân vườn, ban công để trang trí, tạo điểm nhấn cho không gian ngôi nhà.
+ Trong cánh hoa có chứa các chất như carotene, vitamin C, vitamin B, vitamin K, kali, canxi… các chất này tốt cho hệ tiêu hóa, tim mạch và hệ miễn dịch.
+ Hoa còn được sử dụng để pha chế thành nước hoa hồng dùng để dưỡng da, xông hơi hoặc tắm, có tác dụng làm đẹp và sạch ra.
+ Làm trà hoa hồng vừa là một bài thuốc chữa cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi và các chứng loạn thần kinh chức năng, đồng thời cũng là một đồ uống giàu vitamin.
+ Nước ép hoa hồng có thể ngăn ngừa bệnh ung thư và làm hạ huyết áp.
+ Cánh hoa hồng tươi có thể khống chế mưng mủ tại các vết thương hay vết bỏng, nó còn làm dịu đi những vết ngứa do dị ứng gây ra.
5. Ý nghĩa
Hoa hồng bạch xếp tượng trưng cho vẻ thuần khiết, ngây thơ và dịu dàng. Là loại cây mang màu sắc của sự hoàn thiện, tao nhã và thanh cao.
Trong tình yêu, hoa hồng bạch tượng trưng cho một tình yêu trong trắng, cao thượng và thường được dùng trong các buổi lễ đính hôn, kết hôn.
Ngoài ra, hoa hồng bạch còn mang ý nghĩa cho sự kính trọng, tôn vinh và biết ơn người đã khuất.
6. Phương pháp nhân giống
Bạch xếp thường được nhân giống bằng phương pháp giâm cành (vào mùa xuân hoặc mùa thu đông) và chiết cành để tạo hồng một thân (tree bạch xếp).
7. Kỹ thuật trồng
Bước 1: Chuẩn bị nguyên vật liệu
+ Chậu: chậu nhựa hoặc chậu sứ.
+ Đất: đất thịt pha cát.
+ Phân bò hoặc phân gà đã được ủ hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh.
+ Trấu hun dở.
Trộn đất, trấu, phân theo tỉ lệ (thể tích) 5 : 3 : 2. Lưu ý: Không trộn các loại phân động vật chưa được ủ hoai hay phân hóa học vào đất.
Bước 2: Trồng cây
+ Cho giá thể đã trộn vào 1/2 chậu.
+ Xé bầu ươm nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng tới bộ rễ.
+ Cho cây vào chậu và phụ thêm giá thể vào xung quanh miệng chậu.
Sau khi trồng cần tưới nước và để cây vào nơi râm mát ít nhất 7 ngày.
Sau đó dần dần cho cây tiếp xúc với ánh nắng và có thể bón phân.
8. Kỹ thuật chăm sóc cây hồng bạch xếp Nam Định trong chậu
+ Ánh sáng: cây ưa nắng, tạo điều kiện cho cây hứng nắng ít nhất 5 – 6 giờ/ngày.
+ Tưới nước:
Tưới nước điều độ để duy trì độ ẩm vừa phải cho đất. Không nên tưới quá muộn, nước đọng lại trên lá dễ phát sinh nấm bệnh. Ngoài tưới, có thể xịt vòi phun áp lực từ mặt dưới lá để ngăn ngừa nhện đỏ hại cây.
+ Bón phân: tùy theo kích cỡ cây để bón phân cho phù hợp.
Nếu cây hoa hồng trưởng thành bón: 2 nắm phân gà/gốc/tháng (chia làm 2 lần bón) hoặc 1 nắm phân dơi/gốc/tháng.
Lưu ý: Ngay sau khi cắt tỉa cành nên bón phân để kích thích cây bật lộc.
+ Cắt tỉa:
Sau mỗi chu kỳ hoa nên bấm tỉa những cành tăm, lá vàng, hoa tàn giúp cây thông thoáng, giảm thiểu sâu bệnh, tạo tán theo ý muốn và đặc biệt cây sẽ bật nhiều mầm lộc, cho nhiều hoa hơn.
+ Sâu bệnh:
cây bạch xếp có thể mắc một số sâu bệnh trên hoa hồng, cần phải theo dõi thường xuyên tình
trạng của cây để phòng và chữa trị kịp thời.
Mời bạn xem video về hoa hồng mà KiViBaRa đã sưu tầm được.