Bằng sự quyết tâm và nỗ lực hết mình, nhiều nhà giáo đã góp phần làm thay đổi diện mạo của giáo dục vùng khó xứ Thanh.
Dành cả thanh xuân cho giáo dục vùng khó
Năm 2000, vừa tròn đôi mươi, cô Vũ Thị Lâm (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tình nguyện lên huyện vùng cao, biên giới Mường Lát chia khó với ngôi Trường Mầm non Tam Chung.
Cảnh tượng đập vào mắt cô giáo trẻ lúc ấy là những phòng học đơn sơ, tạm bợ, thiếu thốn trang thiết bị dạy học. Học sinh có tới 98% là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, nói tiếng Việt chưa rõ khiến cho việc giao tiếp giữa cô và trò gặp muôn vàn khó khăn.
Để xóa bỏ khoảng cách với trò, nữ giáo viên (GV) vừa truyền dạy kiến thức vừa trau dồi thêm tiếng bản địa để thuận tiện hơn khi giao tiếp. Sau 4 năm đứng lớp, cuối năm 2004, cô Lâm được điều động về làm Hiệu phó Trường Mầm non thị trấn Mường Lát.
“Một trong những thay đổi lớn nhất khi tôi về Trường Mầm non thị trấn Mường Lát công tác đó là tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ. Tuy nhiên, để làm được điều này chúng tôi phải đến từng cơ quan, đơn vị, thậm chí là đồn biên phòng để xin hỗ trợ chi phí mua dụng cụ, đồ dùng cho các cháu”, cô Lâm chia sẻ.
Kể từ khi tổ chức bếp ăn bán trú, chất lượng giáo dục của ngôi trường cũng dần cải thiện. Trẻ không chỉ nhận biết được hết chữ cái, mà còn được tham gia tất cả hoạt động trong ngày, việc giao tiếp cũng cải thiện hơn rất nhiều.
Sau những thành quả đạt được ở Trường Mầm non thị trấn Mường Lát, cô Lâm được điều động công tác về Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, phụ trách bậc học mầm non. Ở cương vị mới, không tránh khỏi những áp lực song cô Lâm luôn xem đó là thử thách để tôi rèn ý chí, bản lĩnh.