Nội dung chính
Đề tài: Quan sát cây xoài – cây mít ( Lớp Mầm )
Độ tuổi: 3-4 tuổi
I. MỤC ĐÍCH -YÊU CẦU:
1. Kiến thức:
– Trẻ nhận biết được một số đặc điểm của cây xoài, cây mít, quả xoài, quả mít.
– Trẻ gọi đúng tên và các bộ phận của cây xoài, cây mít (than, cành lá, quả…).
– Trẻ nhận biết biết được lợi ích của cây xoài, cây mít.
2. Kĩ năng: Rèn luyện và phát triển cho trẻ khả năng quan sát, chú ý ghi nhớ có chủ định.
3. Thái độ: Giáo dục trẻ ý thức chăm sóc cây xanh.
II. CHUẨN BỊ:
– Tranh cây mít.
– Quả xoài xanh, xoài chín, quả mít thật (hoặc tranh quả mít).
– Nhạc đệm “Lý cây xanh”, “Vườn cây của Ba”.
III. CÁCH TIẾN HÀNH:
Hoạt động 1: Ổn định tổ chức, gây hứng thú
Cô và trẻ trò chuyện về cây xanh
– Lớp mình có nhà bạn nào có vườn không ?
– Vườn nhà con có những cây gì ?
– Ngoài những cây đó ra, con còn biết tên những cây nào nữa ?
– Ở vườn trường mình cũng có rất nhiều loại cây, nào là cây bàng, cây mít, cây phượng ?
Cô và trẻ hát bài hát “Lý cây xanh”.
Hoạt động 2: Quan sát cây xoài, cây mít
* Quan sát cây xoài:
– Chúng mình đang ngồi dưới tán lá cây gì ?
– Cây xoài có những gì? (Thân, cây, lá)
– Thân cây như thế nào? (To hay nhỏ)
– Lá cây như thế nào? (To, dài)
– Hoa của cây xoài như thế nào? (Hoa nhỏ, mọc thành chùm)
Cô chốt lại: Đây là cây xoài, cây xoài có thân to, có nhiều cành, lá xoài dài và to, hoa có màu trắng mọc thành chùm, có một số hoa sẽ kết quả.
– Các con đã khi nào nhìn thấy quả xoài chưa ?
– Quả xoài như thế nào?
Cô đưa quả xoài ra cho trẻ quan sát và nhận xét.
– Quả xoài chín có màu vàng mùi thơm, ăn ngọt và bổ.
Cô đưa tranh cây xoài ra cho trẻ quan sát.
Cô chỉ vào từng bộ phận của cây cho trẻ gọi tên.
– Người ta trồng cây để làm gì ? (người ta trồng cây xoài để lấy bóng mát, để ăn)
* Quan sát cây mít:
Cô đưa tranh cây mít ra cho trẻ quan sát
Cô giới thiệu cây mít và cho trẻ nhắc lại tên cây.
MỞ RỘNG: Ngoài cây xoài, cây mít ra các con còn biết những cây gì ?
Cô cho trẻ biết có rất nhiều cây: cây bàng, cây phượng, cây bằng lăng…
Giáo dục trẻ: Giáo dục trẻ biết chăm sóc cây, không hái lá, bẻ cành.
* Trò chơi củng cố:
Cho trẻ chơi trò chơi: “Cây nào lá ấy”.
Cho trẻ nhặt lá cây rụng trên sân trường và nói tên lá cây đó.
Cách chơi: trẻ vừa đi vừa hát, khi nào cô nói: “tìm cây” thì trẻ chạy nhanh đến đứng cạnh gốc cây mà mình có lá cây đó.
Ví dụ: Cô có lá cây xoài – khi nghe có hiệu lệnh “tìm cây” thì cô sẽ chạy nhanh về cạnh cây xoài”.
Luật chơi: Nếu bạn nào tìm nhầm cây sẽ phải ra ngoài một lần chơi.
Tổ chức cho trẻ chơi: 2-3 lần
Kết thúc: Trẻ hát và vận động theo nhạc bài “Vườn cây của ba”.