Khi trẻ tranh cãi với anh chị em hay bạn bè, cha mẹ thường có xu hướng giúp chúng giải quyết, những điều này chỉ khiến trẻ thụ động.
Để nuôi dạy những đứa trẻ tuyệt vời, đôi khi phụ huynh phải để trẻ trải nghiệm cuộc sống theo cách riêng, không nên can thiệp. Điều này có thể đồng nghĩa với việc trẻ sẽ thất bại và phụ huynh cảm thấy bứt rứt vì không thể chia sẻ cảm xúc tiêu cực với con.
Nhưng hãy thử nhìn theo chiều hướng tích cực, những hoạt động này sẽ là bài học giá trị cho cả con cái lẫn cha mẹ. Giữa những tình huống khó khăn, bạn sẽ thấy cách trẻ trưởng thành và biết chúng đang đi đúng hướng hay không. Đứng ngoài cuộc không có nghĩa là phớt lờ trẻ mà luôn âm thầm quan sát, can thiệp kịp thời để uốn nắn đúng cách và vẫn khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng. Dưới đây là sáu tình huống hàng ngày bạn có thể để con tự xử lý.
Nội dung chính
1. Bất đồng với anh chị em
Nếu gia đình bạn có nhiều hơn một đứa trẻ, việc chúng cãi lộn, tranh giành mọi thứ sẽ xảy ra thường xuyên. Nếu can thiệp vào tình huống này, bạn sẽ chỉ làm trì hoãn hướng giải quyết của chúng hoặc khiến trẻ thụ động, ỷ lại.
Vì vậy, hãy để các con tự dàn xếp bất đồng. Bạn chỉ đứng ở bên ngoài quan sát, cung cấp cho con những gợi ý sau khi cuộc tranh cãi đã kết thúc để lần tới chúng có thể giải quyết xung đột dễ dàng hơn.
2. Xung đột khi chơi cùng các bạn
Khi trẻ em chơi chung với nhau, chắc chắn sẽ nổ ra cuộc tranh cãi, giống như khi anh chị em ruột chơi với nhau. Bạn hãy cho con cơ hội giải quyết các xung đột. Có thể con sẽ làm bạn bất ngờ với khả năng tư duy logic, tài hùng biện hoặc đơn giản đứng ngoài cuộc tranh cãi. Những phản ứng khác nhau là hoàn toàn bình thường, điều quan trọng là chúng tự đưa ra cách giải quyết phù hợp với mình.
Tuy nhiên, bạn cũng nên quan sát để kịp thời giải quyết khi cuộc tranh cãi chuyển sang hướng bạo lực. Điều này giúp trẻ hiểu rằng, cha mẹ ủng hộ chúng giải quyết xung đột bằng lời nói chứ không khuyến khích dùng nắm đấm. Vào lần tới, khi cuộc đụng độ chuyển biến xấu, chúng sẽ biết tìm người lớn.
3. Quên đồ dùng cá nhân
Những tình huống quên bài tập về nhà hay đồ dùng cần thiết khi ra ngoài sẽ khiến con bạn nhận được những hậu quả xấu như điểm 0, không thể làm việc chúng muốn… Trong hoàn cảnh này, đa phần cha mẹ sẽ quýnh quáng bỏ dở công việc để mang đồ cho con, nhưng sẽ chỉ càng khiến chúng ỷ lại. Hãy để trẻ chịu hậu quả vì quên đồ, từ đó trẻ dần biết xây dựng ý thức trách nhiệm, tính cẩn thận.
4. Xung đột với người lớn
Trong hầu hết trường hợp, hãy cho phép con bạn tự giải quyết khúc mắc với người lớn mà không có sự can thiệp của cha mẹ. Việc giải quyết bất đồng với người lớn tuổi sẽ giúp trẻ học được cách tự tin, kỹ năng hùng biện hoặc đôi khi chỉ để xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa họ. Khi tình huống có chiều hướng tiêu cực, bạn có thể tham gia vào nhưng đừng hạ bệ con hay người khác.
5. Mối quan hệ với mọi người xung quanh
Khi trẻ lớn lên, mối quan hệ cũng dần được mở rộng, ngoài phạm vi gia đình và bạn bè. Mỗi mối quan hệ sẽ cung cấp giá trị riêng mà quan hệ gia đình không thể mang lại. Đôi khi đó là giá trị tốt, đôi khi là giá trị xấu, nhưng tất cả là bài học con bạn nên được trải nghiệm trước khi bước vào cuộc đời.
Hãy để trẻ phát triển các mối quan hệ xung quanh mà không cần quá nhiều sự can thiệp từ phía phụ huynh. Nhưng đồng thời cũng không nên quá buông lỏng, cha mẹ hãy quan sát và đưa ra lời khuyên phù hợp, đúng lúc.
6. Điều trẻ không nên làm nhưng đã làm
Con bạn có bao giờ không nghe theo lời khuyên của cha mẹ? Ví dụ khi bạn bảo đừng để đồ chơi ngoài trời mưa để tránh rỉ sét, nhưng con vẫn làm và đồ chơi bị hỏng. Khi sự việc xảy ra, đừng nên nói với trẻ “Bố/ mẹ đã bảo con rồi”.
Trẻ đã học được bài học từ hành động sai lầm của mình. Chúng có thể tức giận với bạn vì đã không có thái độ cứng rắn hơn và những câu nói như trên khiến chúng cảm thấy bị chế giễu. Hãy để trẻ tự đối phó với cảm xúc của mình, sau khi chúng lấy lại bình tĩnh bạn có thể đưa ra lời khuyên cho lần tới.
Nguồn: https://vnexpress.net