Bé hay ói – làm thế nào để bé ăn được nhiều hơn?

Không chỉ ói mà bé còn biếng ăn, bữa ăn trở thành cực hình của cả mẹ và con. Liệu tình trạng đó có khó cải thiện?

Những ngày gần đây, trang mạng xã hội Facebook liên tục truyền đi bài viết “Học cách tôn trọng bao tử của con” của một người mẹ kể về “cuộc chiến” với những bữa ăn của con mình, để giúp con bớt “còi”. Nhưng sau những cố gắng mệt mỏi, người mẹ ấy đã nhận ra rằng cần phải kiên nhẫn và bình tĩnh với việc cho bé ăn. “Bé ăn không hết thì tôi dẹp. Bé ốm thì đi khám. Tôi không tự kết tội mình nữa. Tôi cho bé học 2 năm lớp lá, 7 tuổi mới vào lớp 1. Tôi chỉ nhìn vào bé và không so sánh với các bé khác.”

Câu chuyện này đã làm “nức lòng” không ít các bà mẹ. Xốn xang, khó chịu cũng có, đồng lòng cũng có, không thể chấp nhận con “còi” hơn bạn quá nhiều cũng có. Vậy ta có thể làm gì để dung hòa tâm trạng đang “nóng ran” của mẹ khi con chán ăn, ăn vào ói, ăn quá ít… với mong muốn được tôn trọng bao tử của con để giữ cho con cuộc sống vui vẻ, không có những “bữa ăn nước mắt”? Từ kinh nghiệm của một vài người mẹ đã thành công trong việc mang lại niềm hứng thú ăn uống cho con, giúp con bỏ được “bệnh ói” khi tới bữa ăn… Webtretho cóp nhặt lại những lưu ý sau:

1. Đừng bao giờ để bé ăn tới khi thấy no / ngán

Cũng như người lớn, khi chúng ta ăn món gì quá nhiều, quá no đến nỗi ngán thì ta sẽ “sợ” nó đến cả tháng sau chưa muốn ăn lại. Vậy sao lại cứ ngày ngày bắt trẻ ăn đều đặn 3 chén cháo to, ăn đến khi mẹ sờ bụng thấy căng tròn mới thôi? Có thể con bạn thuộc dạng dễ ăn, bây giờ bạn đút bé còn há miệng, nhưng cũng có thể vào lúc nào đó bé sẽ phản kháng lại, hoặc bữa ăn không còn là niềm hứng khởi với bé nữa mà chỉ đơn giản là “nghĩa vụ”.

Vậy thì thay vì luôn cho con ăn đến no căng bụng, bạn nên dừng lại trước lúc đó 1 chút, khi bạn cảm thấy bé đã đủ no và tinh thần vẫn còn vui vẻ, hào hứng. Bạn yên tâm, điều này không làm thiệt hại 1gram cân nặng nào của bé đâu, ngược lại, bé lại được rất nhiều – đó là được cảm giác thèm ăn luôn dành cho bữa sau, sự vui vẻ hợp tác vì bé cảm thấy “không có gì đáng chán cả”, bao tử bé dễ dàng làm việc hơn, và chúng sẽ tạo điều kiện để còn chỗ cho những thức ăn bổ dưỡng khác nữa chứ không chỉ có bữa ăn chính.

2. Bữa phụ

Một người mẹ Việt sống ở Mỹ cho biết: con chị ăn như chơi, mỗi bữa chỉ nửa chén cháo nhưng bé rất khỏe mạnh, tăng cân đều đặn và cao lớn, giờ bé 14 tháng nhưng đã 13kg rồi. Đó là vì bé ăn thêm bữa phụ ngoài cháo khá nhiều. Chị cho biết bé ăn nửa chén cháo bữa sáng, 20 phút sau bé uống 1 ly 120ml nước cam, nửa tiếng sau là 1 hũ yaourt, 1 tiếng sau nữa là 1 cữ sữa. Cứ như vậy, ngoại trừ các giấc ngủ ngày, hầu như cứ cách 1 tiếng, nửa tiếng là bé lại “nhâm nhi”, khi thì bánh, khi thì phô mai, khi là sinh tố, khi lại yaourt, và món cháo tưởng như nhàm chán lại trở nên thú vị khi bé luôn được xen kẽ với các món khác lạ.

3. Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn

Có rất nhiều bé biếng ăn chỉ vì yếu tố tâm lý, vì vậy khi cho bé ăn mẹ phải tạo không khí vui vẻ để bé ăn có cảm giác ngon miệng hơn. Cách tốt nhất là mẹ hãy tạo điều kiện cho bé ăn cùng gia đình, nhìn mọi người ăn uống ngon miệng cũng là cách kích thích sự thèm ăn ở bé. Các mẹ nên biết rằng khi trẻ có tâm lí thoải mái, vui vẻ, nhất là có tâm lí ganh đua khi ăn thì sẽ kích thích các tuyến men tiêu hoá hoạt động, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Điều này lí giải vì sao nhà “con đàn” dễ nuôi hơn con một.

4. Lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp với con

Hơn ai hết, mẹ là người gần gũi và hiểu con nhất nên sẽ biết được phần nào tính cách của con để có thể lựa chọn hoặc thay đổi một phương pháp ăn dặm nào đó hợp với con. Có nhiều mẹ cho biết đã “thành công mỹ mãn” khi cho con ăn dặm theo phương pháp của Nhật, nhưng một vài mẹ lại muốn con ăn theo cách của “Baby led weaning”…

Nói chung, dù cách nào đi chăng nữa thì không phải mẹ muốn là được mà cần thiết là bé thích, muốn và hợp tác tốt đẹp với mẹ. Vì thế, bạn cần lắng nghe cơ thể của con, đừng ngần ngại thay đổi khi thấy thất bại với phương pháp nào đó. Biết đâu, con bạn không hợp với kiểu nào cả mà chỉ phù hợp với cách của mẹ mà thôi, vì mẹ đã hiểu được bé muốn gì.

Rate this post