Cái Tâm của người giáo viên

Đọc bài viết “Nỗi buồn của mẹ khi con đi nhà trẻ” cùng các ý kiến đóng góp tôi xin đưa ra ý kiến khách quan của mình. Là một người chưa có con nhưng phần nào tôi cảm thông những nỗi lòng của các bậc cha mẹ. Và là một người trong cuộc có lẽ tôi sẽ hiểu cặn kẽ hơn các bậc phụ huynh về môi trường giáo dục tại trường mầm non.

Bài viết này tôi không đề cập tới vấn đề cơ sở vật chất mà tôi chỉ xin nói về cái “Tâm” của người giáo viên.

Nếu một số ý kiến cho rằng chỉ có môi trường công lập, bán công là tốt hơn còn trường tư thục là không tốt tôi xin kể hai chuyện sau đây để xác nhận một lần nữa, đối với những tâm hồn trong trắng, non nớt của trẻ thơ thì cái Tâm của người giáo viên là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Thứ nhất, tôi xin kể về một người bạn cùng học với tôi thời sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, bạn tôi về công tác tại một trường bán công trong thành phố khoảng một năm để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, bạn tôi xin nghỉ và mở trường tư thục ở một tỉnh ngoại ô thành phố. Công việc ban đầu rất khó khăn từ việc đầu tư cơ sở vật chất đến chuyên môn nhưng chỉ hơn một năm trường của bạn tôi đã phát triển rất tốt và bạn tôi chuyển sang một cơ sở khác khang trang hơn với số lượng học trò ngày càng tăng lên. Bạn tôi khoe với tôi, học trò của mình học rất tốt khi vào lớp 1 và phụ huynh họ quay về trường để cảm ơn. Có một lần, cuối tuần, tôi gọi điện cho bạn tôi thì bạn tôi nói đang đi mua giáo cụ, đồ chơi và vào siêu thị Coop để mua thực phẩm cho học trò. Tôi hỏi bộ dưới đó không có à thì bạn tôi nói thi thoảng rảnh là lên trên này mua thịt hộp, cá hộp, hạt nêm, dầu gấc và rau sạch… cho trường. Bạn tôi còn khoe với tôi là ở trường sử dụng loại gạo ngon nhất rồi bạn tôi phân trần bọn trẻ có ăn đáng là bao nhiêu đâu!

Hôm trước, bạn tôi kể với tôi có một học trò vừa biếng ăn, khó ngủ lại ngỗ nghịch, phụ huynh phải đến gửi và nhờ cô giáo giúp đỡ. Chỉ sau vài tuần, cậu bé đã tiến triển rõ rệt từ việc ăn, ngủ, đến việc biết nghe lời người lớn. Có một lần phụ huynh đến kể chuyện với cô giáo là ở nhà cậu bé cứ đòi ngủ với cô H. và giải thích với mẹ là do người cô H. thơm, người mẹ hôi. Chắc rằng người mẹ ở đây sẽ không buồn vì lời cảm nhận vô tư của trẻ. Chính lời nói vu vơ đấy đã minh chứng cho tình cảm của người giáo viên dành cho cậu bé và ngược lại.

Số lượng học trò đăng ký ngày một đông lên nhưng bạn tôi quyết không nhận thêm vì nhận nhiều sẽ không cam nổi, chất lượng chăm sóc và dạy học sẽ không tốt. Dẫu biết rằng công việc vừa quản lý, vừa trực tiếp đứng lớp lại có con nhỏ nên rất là vất vả nhưng bạn tôi thường nói mình thu đồng tiền của phụ huynh thì phải ráng hết sức mình trong khả năng có thể. Có ai là giáo viên trong ngành thì mới thấu hiểu sự cực nhọc như thế nào của các cô giáo, và nếu chỉ vì miếng cơm manh áo không thôi thì khó có thể tìm thấy những niềm vui từ công việc và từ những tâm hồn non nớt của trẻ thơ. Tôi thiết nghĩ nếu người giáo viên nào cũng có Tâm như bạn tôi thì ngành giáo dục mầm non sẽ không còn nhiều vấn đề phải đem ra phân tích, bàn luận, chia sẻ như thế này và câu chuyên tôi kể trên cũng khẳng định một điều: trường mầm non tư thục có thể không đầy đủ lắm về phương tiện, cơ sở vật chất nhưng không hẳn là không tốt như nhiều người đã nhận xét, điều quan trọng nhất vẫn là sự tác động trực tiếp của người giáo viên.

Câu chuyện thứ hai tôi xin kể về những điều tôi tận mắt chứng kiến khi còn là thực tập sinh. Khóa thực tập cuối khóa kéo dài trong vòng 3 tháng và chia đều cho 4 lứa tuổi: cơm thường, mầm, chồi, lá. Trường nơi chúng tôi thực tập là một ngôi trường điểm trong thành phố. Ở những lớp mầm, chồi, lá tôi thực tập thì không xảy ra vấn đề gì các cô rất yêu trẻ. Thậm chí ở lớp mầm, cô giáo không bao giờ đánh trẻ, mỗi khi bọn trẻ làm cô không hài lòng, cô giáo chỉ cần xách giỏ ra ngoài là cả lớp gào lên khóc rồi xin lỗi cô rối rít. Tôi khâm phục và cảm thấy cô trò mới đáng yêu làm sao! Chuyện tôi muốn kể xảy ra ở lớp bé nhất của trường, lớp cơm thường, các bé mới 2, 3 tuổi. Cái lứa tuổi mà đáng lý ra phải được thương yêu, nâng niu nhất nhưng…

Lớp cơm thường ở đây có khoảng hơn 20 cháu với sự chăm sóc của 3 giáo viên chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm 7, 8 cháu. Nhóm chúng tôi cũng gồm 3 người, mỗi tuần đi theo một nhóm dưới sự dẫn dắt của 1 giáo viên và luân chuyển trong vòng 3 tuần. Ở lần thực tập thứ 3, tôi thật sự bất bình trước những hành động ngang trái của 1 chị giáo viên trong lớp. Tôi được biết có một cô bé rất dễ thương tên là N.A. Theo lời chị ấy kể, lúc đầu bé rất năng động, hát hay, nhưng bị chị ta đánh nhiều quá bây giờ thụ động, trầm cảm luôn. Tôi thiết nghĩ việc đấy có hay ho gì mà chị ấy còn mạnh mẽ kể cho chúng tôi??? Hầu như những bữa ăn trưa ở trường, tôi phụ chị cho bé ăn nhưng bé không chịu ăn, hôm nào dỗ dành thật lâu bé mới ăn chút và để không mất nhiều thời gian chị ấy “ra tay” thì bé cố ăn trong nước mắt và những cái tát tai. Sau bữa cơm là gương mặt mếu máo và hai má hằn dấu tay. Lại còn bất bình hơn khi từ đó gia đình không tài nào cho bé ăn bữa cơm chiều tối được và cứ chiều đến gia đình phải thay phiên mang cơm vào thật sớm để chị ấy cho bé ăn với tiền thù lao vài trăm một tháng. Không những vừa mất tiền mà phụ huynh không hề biết rằng bé ăn cơm vẫn trong nước mắt và những cái tát tai. Hôm nào trễ thì chị ấy chỉ la mắng, hôm nào sớm thì có tát nhưng nhẹ hơn những buổi trưa vì lẽ sắp tới giờ trả trẻ, nếu tát mạnh, gia đình sẽ biết vì còn hằn dấu tay.

Cũng trong nhóm của chị ấy có một cu cậu khá hiếu động và bé này cũng trong trường hợp khó ăn. Hôm đấy, bé cũng mè nheo trong ăn uống thế là chị ấy tiếp tục “ra tay”, chị tiến tới và tát bé một cái, không biết cái tát đó mạnh đến thế nào mà bé chảy luôn máu mũi và phải nằm nghỉ giữa bữa ăn.

Công việc của các chị trong lớp được thay phiên theo trình tự cô A, cô B, cô C. Công việc cô C là quản lý các cháu khâu vệ sinh, tắm rửa. Khi các bé ngủ dậy, ăn xế rồi tắm. Trong khi các bé nhốn nháo chuẩn bị cho giờ tắm, chị ấy từ ngoài cửa ném những chiếc giỏ vào cho học trò. Chị ấy cứ vô tư ném giỏ và những chiếc giỏ thi nhau bay “vèo vèo” có lúc vào mặt các bé, các bé ngã lúi chúi. Rồi đến những lúc tắm cho cháu, chị ấy cứ tạt cả gáo nước vào mặt các cháu và thế là xong. Còn nhiều chuyện nữa nhưng tôi chỉ xin kể vài điều đã hằn sâu trong tâm trí mình suốt từ đó đến giờ.

Đợt thực tập lần này cũng là đợt thực tập cuối cùng của chúng tôi. Câu chuyện của chúng tôi đến tai giáo viên trưởng đoàn. Vì cũng có con nhỏ nên cô giáo tôi rất bức xúc những điều đã được nghe và cô tôi quyết tâm giải quyết vấn đề nhức nhối này. Bị họp kỷ luật tại trường rồi dưới sức ép của dư luận, chị ấy đã phải xin thôi việc. Rồi chị ấy cũng sẽ có con không biết một ngày nào đó khi biết giáo viên có những hành động không phải với con mình chị ấy sẽ suy nghĩ như thế nào?

Qua câu chuyện này tôi cũng mong mỏi những bạn sinh viên sắp rời ghế nhà trường cũng như những người đã là giáo viên hãy mang trong mình một chữ Tâm khi đến với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Xã hội muôn hình, muôn vẻ và con người cũng muôn vẻ, muôn hình, người giáo viên cũng vậy, có người này người khác. Xin mọi người có cách nhìn đúng đắn cho môi trường mầm non nói chung và người giáo viên nói riêng thế hệ ươm mầm cho tương lai của đất nước. Những người giáo viên đã chọn một nghề mà theo tôi rất rất vất vả tuy nhiên chưa được xã hội quan tâm đúng mức. Thực sự nếu không yêu nghề họ khó lòng trụ được trong xã hội nên một lần nữa mong mọi người nhìn chúng tôi với cái nhìn bao dung hơn.

Hiện tại tôi không đi theo nghề, nhưng tôi muốn viết bài này để các bậc phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn về trường mầm non công lập, bán công hay tư thục. Xin quý vị hãy trao đổi thật kỹ với giáo viên và tìm hiểu thật cặn kẽ để tìm cho con em mình những nơi đáng tin cậy mà gửi gắm. Và tôi cũng xin nhấn mạnh thêm một lần nữa dù bất cứ nơi đâu nhưng cái Tâm của người giáo viên là yếu tố quan trọng đáng lưu tâm nhất.

Rate this post