Trẻ em gái dậy thì sớm phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Dậy thì sớm là khi cơ thể của trẻ bắt đầu trải qua quá trình thay đổi thành cơ thể người lớn quá sớm. Trung bình, tuổi dậy thì bắt đầu ở trẻ em gái từ 8 đến 13 tuổi, trẻ em trai từ 9 đến 14 tuổi. Trẻ gái xuất hiện dấu hiệu như ngực phát triển, tăng trưởng về chiều cao, mọc lông hoặc nổi mụn trước 8 tuổi được xem là dậy thì sớm.
Các nhà khoa học cho biết, phần lớn trường hợp dậy thì sớm ở trẻ em gái đều khó xác định nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, họ đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu và kết luận căng thẳng chính là yếu tố khiến bé gái dậy thì sớm hơn.
Dựa trên một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Child Development, mối quan hệ căng thẳng trong gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành sớm ở bé gái. Trong đó, những thai phụ thường xuyên căng thẳng khi mang thai cũng mang đến nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ gái.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu từ các nhà khoa học Mỹ cũng cho thấy bé gái sống trong gia đình ít xung đột đã trải qua những thay đổi nội tiết tố đầu tiên muộn hơn những đứa trẻ khác. Đặc biệt, những trẻ ít nhận hỗ trợ từ cha mẹ thường có liên quan đến dậy thì sớm hơn.
Vì sao căng thẳng gây dậy thì sớm?
Căng thẳng tâm lý xã hội tác động đến hệ thống limbic của não. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm về cảm xúc, nơi diễn ra nhiều thay đổi ở tuổi dậy thì. Trong thời thơ ấu, não sẽ tích cực sản sinh hormone gonadotropin (GnRH) để ngăn ngừa việc sản xuất hormone ở tuyến yên như estrogen và testosterone. Hành động này cho phép trẻ trải qua thời thơ ấu không bị xáo trộn bởi hormone giới tính.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng có thể cho phép xung kích thích tố sinh dục tiết ra, khiến trẻ bắt đầu giải phóng xung kích thích tố như estrogen và testosterone, cho phép cơ thể bắt đầu phát triển.
Vaishakhi Rustagi, bác sĩ nội tiết nhi ở Delhi (Ấn Độ), cho biết sự gia tăng các trường hợp dậy thì sớm đều có liên quan đến đại dịch Covid-19. Bởi trong giai đoạn giãn cách xã hội, trẻ em là đối tượng buộc phải sống trong nhà sẽ khiến chúng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc lâu với các thiết bị điện tử hoặc tăng tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh cũng là nguyên nhân.
Cách ngăn ngừa dậy thì sớm
Nếu trẻ có những dấu hiệu của dậy thì sớm thì ba mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay để nhận tư vấn và can thiệp kịp thời. Trong đời sống hằng ngày, phụ huynh vẫn có thể thực hiện một số biện pháp giúp trẻ dậy thì đúng giai đoạn như:
Giữ cân nặng ổn định: Việc rèn luyện thể lực và thường xuyên tập thể dục là thói quen giúp giảm nguy cơ dậy thì sớm, tình trạng khác liên quan đến béo phì và thừa cân, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường type 2.
Duy trì chế độ ăn khoa học: Trong khẩu phần ăn hằng ngày, phụ huynh nên xây dựng thực đơn đầy đủ các nhóm thực phẩm. Cha mẹ chú ý cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây, tránh ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ… Trẻ không tẩm bổ quá mức, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán chứa nhiều chất béo có thể khiến trẻ béo phì.
Đặc biệt, các phụ huynh cũng cần tránh cho trẻ dùng thuốc nội tiết tố theo toa, thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm khác có thể chứa estrogen hoặc testosterone nếu bác sĩ không kê đơn hoặc khuyến nghị.
Hạn chế căng thẳng trong môi trường sống: Cha mẹ cần tập thói quen gần gũi, chia sẻ giải quyết những rắc rối với trẻ, dành thời gian trò chuyện cùng chúng. Ngoài ra, chuyên gia tâm lý học cũng khuyến nghị mỗi gia đình nên tạo môi trường sống ổn định, lành mạnh, tránh cãi vã. Đây là cách giảm căng thẳng hiệu quả cho mỗi thành viên trong gia đình.
Các tác động tiêu cực tiềm ẩn của dậy thì sớm ở bé gái có thể bao gồm những vấn đề như: căng thẳng, nhạy cảm quá mức, tự ti, bị bắt nạt, kết quả học tập kém, quan hệ tình dục sớm hoặc tăng nguy cơ ung thư vú về sau.
Theo Washington Post (Mỹ), tình trạng dậy thì sớm thường không phổ biến nhưng chúng cũng gây ảnh hưởng đến khoảng một trong số 5.000 đến 10.000 trẻ em, với tỷ lệ nữ trên nam xấp xỉ 10:1.
Vào đầu năm 2022, các bác sĩ nhi khoa ở Mỹ và Ấn Độ báo cáo các trường hợp dậy thì sớm. Trong số đó gồm các bé gái 5 tuổi đang phát triển ngực và những bé dưới 8 tuổi bắt đầu có kinh nguyệt.
Huyền My
(Theo Washington Post, Discover Magazine)