Dạy con biết trân trọng đồng tiền

Tôi còn nhớ, ngày bé, mẹ tôi vẫn bảo: “Trẻ con không nên sớm biết đồng tiền, hư người đi!”. Sau này, tôi lại thấy nhiều đứa bạn cùng tuổi tiêu tiền rất sớm, thậm chí, bố mẹ còn thưởng tiền mỗi lần được điểm cao. Hai cách ấy – một là tránh cho trẻ đối diện với đồng tiền sớm, hai là sớm cho trẻ tiếp cận đồng tiền, biết tiêu tiền một cách tự lập – cách nào là đúng?
Ý nghĩa của đồng tiền

Thái độ của trẻ đối với đồng tiền ảnh hưởng một phần đến cách sống sau này của trẻ, khi lớn lên. Coi tiền là thứ yếu, là không quan trọng bằng những giá trị tinh thần khác, vì thế mà coi nhẹ, thậm chí còn khinh miệt đồng tiền? Quá coi trọng đồng tiền, yêu tiền hơn tất thảy mọi thứ khác, lấy sự kiếm tiền là mục đích chứ không phải là phương tiện sống và đạt được những đích khác của cuộc đời? Cả hai thái độ, theo tôi, đều không thỏa đáng. Có lẽ, các bậc phụ huynh đều muốn con mình ra đời đều hiểu được giá trị của đồng tiền với nghĩa là giá trị của sức lao động, biết tiêu tiền một cách khôn ngoan, có trách nhiệm, đồng thời cũng không phải là kẻ keo kiệt, chắt bóp cóp nhặt khổ sở mà không thể chia sẻ đồng tiền làm ra cho bất kỳ ai trong đời.

Mục đích gần hơn, trẻ cần được hiểu đồng tiền là gì, tại sao phải có nó, lấy ở đâu ra, dùng nó như thế nào… Một đứa trẻ 4, 5 tuổi, mỗi lần đi cửa hàng là nằng nặc đòi mua hết đồ chơi nọ đến đồ chơi kia, không hề quan tâm xem bố mẹ có đủ tiền mua không, hoặc bé biết chắc là bố mẹ rất giàu nên tha hồ đòi hỏi – đó là dấu hiệu bé chưa hiểu ý nghĩa của đồng tiền!

Tiền là gì? Tiền ở đâu mà có?

Từ 2 tuổi trở lên, bé bắt đầu cần biết “sự góp mặt” của đồng tiền trong cuộc sống chúng ta. Mỗi lần đi mua hàng, đi taxi, hãy cho bé cầm một tờ tiền nhỏ đưa cho cô bán hàng, cho người lái xe một cách trân trọng. Đó như một trò chơi khiến bé vui thích, nhất là nếu người nhận cảm ơn bé thật nhiều. Dần dần, bé sẽ hiểu, chúng ta không tự nhiên được đồ chơi, không tự nhiên được đi ôtô như vậy, mà cần phải có tiền để trả công lao động. Ngoài ra, trong các câu chuyện, bạn hãy kể với bé rằng bố mẹ đi làm và nhận được tiền. Tiền ấy để mua thức ăn, mua quần áo, và mua đồ chơi cho bé đấy.

Khi bé đã 4, 5 tuổi, bé lại càng nên phải biết tất cả những chi tiêu trong nhà đều cần đến tiền. Cho bé chứng kiến những lần trả tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền mua gas. Cùng bé đi chợ mua rau. Đương nhiên, bạn làm điều đó thật… bình tĩnh chứ đừng tỏ ra “khổ sở” khi đưa tiền cho người nhận, tuyệt đối không kêu ca: “Giời ơi, tốn quá!”. Hãy để cho bé biết, đây là một hiện tượng hết sức tự nhiên và hợp lý trong xã hội.

Bạn đã bắt đầu có thể chia sẻ với con tất cả những thực tế trong gia đình có liên quan đến tiền. Ví dụ, hãy báo tin vui cho con rằng bố vừa được lên lương, nghĩa là mỗi tháng bố nhận được nhiều tiền hơn vì bố làm việc tốt, các “chú sếp” khen bố. Một phần là nhờ con đi học ngoan nên bố yên tâm làm việc đấy! Hoặc, hãy kể trong bữa cơm rằng tháng này tiền điện, tiền xăng tăng nên bố mẹ phải làm việc nhiều hơn một chút.. v.v… Tất cả những thông tin như thế rất cần thiết đối với trẻ, đồng thời khiến trẻ cảm thấy mình chững chạc hơn vì được bố mẹ tin tưởng, trao đổi các câu chuyện về “ngân sách gia đình” như với một người lớn.

Thái độ có trách nhiệm với đồng tiền

– Ở nhà, bố mẹ nên có chỗ để tiền nhất định, đặc biệt là những tiền lẻ, tiền xu. Tránh để vương vãi khắp nơi, hoặc vì mệnh giá nhỏ mà tặc lưỡi: “cho con cầm mà chơi”. Có lần tôi chứng kiến cảnh một em bé cầm một tờ tiền nhỏ nộp cho chú công an để trả lại người mất, chú này lại bảo: “Ôi dào, cho cháu giữ lấy mà ăn kẹo”! Thái độ như thế thật là sai lầm, khiến đứa trẻ ngây thơ không hiểu được, vì sao tiền của người khác lại có thể dùng để ăn kẹo được, một khi họ cũng đổ mồ hôi công sức mới làm ra tiền như bố mẹ!

– Hãy cùng bé tiết kiệm tiền. Bạn tặng bé một con lợn đất, và cũng có một con lợn đất của riêng mình. Cùng giao hẹn: “Chúng mình sẽ tiết kiệm cho đến Tết (hoặc đến năm học mới) sẽ đập lợn để mua một món quà nào đó cho con, tùy con chọn”. Những đồng xu nhỏ, bố mẹ cho bé. Còn bố mẹ lại đút vào lợn đất tiền lớn hơn, hàng tuần. Khi đập lợn, hãy đưa bé đến cửa hàng, cho bé toàn quyền lựa chọn món đồ mình cần mua, nhưng không được quá số tiền có trong hai con lợn đất, cho dù bố mẹ có thể bù thêm để mua đồ trị giá lớn hơn, nhưng như thế sẽ mất đi ý nghĩa của lợn đất trong suy nghĩ của trẻ.

– Khi vào cửa hàng đồ chơi, nếu bạn có ý định mua cho con một đồ chơi mới, hãy nói ý định đó ngay từ nhà, còn nếu chưa có ý định mua thì hãy giao hẹn trước khi bước vào: “Chúng mình cùng vào xem đã nhé, cuối tháng bố mẹ sẽ mua cho con”. Nếu bé đồng ý thì cùng vào xem, nếu bé “lèo nhèo” thì ngay lập tức đi chỗ khác, để tránh những cảnh mà đôi khi bố mẹ cảm thấy bất tiện khi con thì khóc lóc “ăn vạ”, bố mẹ thì lại chưa muốn mua món đồ đắt tiền ấy. Thực tế, nếu bạn luôn luôn “làm công tác tư tưởng” cho con trước thì cảnh đó không bao giờ xảy ra.

– Từ khi bắt đầu vào lớp 1, trẻ đã có thể được cầm tiền dằn túi. Mỗi tháng, bố mẹ cho trẻ một khoản tiền nhất đinh, nhỏ thôi, và hãy tỏ ý tin tưởng rằng, bé không làm mất, không tiêu tiền linh tinh, chỉ là để “đề phòng khi cần thiết” vì thường thì bố mẹ luôn ở bên cạnh để đáp ứng mọi nhu cầu của bé rồi! Hãy kín đáo theo dõi cách bé giữ tiền, bạn sẽ hiểu, con mình có thái độ như thế nào đối với đồng tiền đấy.

Nhưng tiền không là quý nhất

Muốn cho trẻ hiểu rằng, đồng tiền là quý, nhưng quý vì đó mà mồ hôi sức lực của mọi người, chứ không phải tiền là quý nhất trên đời, chính các bậc phụ huynh phải làm gương cho con. Một vài ngàn biếu một người ăn mày, một khoản tiền nhất định góp vào Quỹ người nghèo hay ủng hộ đồng bào bão lụt… với sự trân trọng chứ không phải miễn cưỡng. Ngoài ra, ngày Tết, khi về thăm ông bà, hãy cùng con chuẩn bị phong bì nhỏ xinh xắn để mừng tuổi ông bà, với cả tấm lòng biết ơn. Gần đây, trẻ con đều biết ngày Tết là được nhận tiền lì xì từ người lớn, mà không nhiều đứa trẻ nhớ rằng, việc mừng tuổi người già cũng là một nét đẹp của truyền thống dân tộc ta.

Mỗi khi mua quà cho con, ví dụ, nhân ngày 1-6 hay ngày Sinh nhật, bố mẹ đừng bao giờ tặng quà cùng lời than: “Khiếp, cái ôtô này đắt thế không biết, bố phải cắn răng mua cho Chích đấy!”. Hay đừng muốn con hứa: “Đây nhé, mua robot này tốn cả tháng lương của bố, cuối năm Nhím đừng có đòi mua đồ chơi đắt tiền nữa đấy nhé!”. Hãy để cho bé cảm nhận được tình cảm của bố mẹ chứ không phải vì con đòi hỏi hay vì trách nhiệm “đến hẹn lại lên” là bố mẹ mua quà cho con. Đừng để tiền là lu mờ đi những niềm vui bé bỏng của trẻ thơ.

Trở lại với phần đặt vấn đề

Vì mẹ tôi tránh không cho tôi cầm tiền và “hiểu đồng tiền” khi còn bé, năm đi học lớp 1, tôi vẫn chưa từng được tiêu tiền. Năm ấy ở lớp, các bạn nhỏ thường chia sẻ cho nhau những cái kẹo, mấy cái bánh quế mỏng như tờ giấy hay vài mẩu quế thơm mùa đông mua được của bà hàng nước ngoài cổng trường. Riêng tôi thì không có để cho lại các bạn. Một lần, tôi đã lấy một tờ tiền mẹ để trên bàn, không hề biết đó là tờ mệnh giá rất lớn, đem ra mua mấy mẩu quế, và vui sướng vì bà hàng giả lại cơ man là những đồng tiền nhỏ. Tôi còn mang về đưa lại cho mẹ, cứ nghĩ mẹ sẽ hài lòng lắm, vì từ một tờ tiền mà được lại biết bao nhiêu! Ấy thế mà bị một trận mắng nên thân, thậm chí còn bị khép vào tội “ăn cắp tiền”. Quá ngây ngô với đồng tiền, lại bị nhận một “tội danh” tày đình như thế, tôi vừa ân hận, vừa khó hiểu, và sự việc này tôi còn nhớ rất lâu trong sự hổ thẹn không đáng có của tuổi thơ.

Tôi kể câu chuyện thật ấy để muốn nói một điều, không nên né tránh những câu chuyện liên quan đến đồng tiền đối với trẻ. Quan trọng nhất là cách tiếp cận đề tài này một cách hợp lý và đúng mức như đã kể trên mà thôi.

Tiến sĩ giáo dục học

Nguyễn Thụy Anh

Rate this post