Chủ đề động vật: Sẻ mẹ và Sẻ con – câu chuyện kể về 2 mẹ con chim Sẻ. Diễn biến câu chuyện này thế nào, cô mời các con cùng lại đây với cô và lắng nghe.
CHỦ ĐỀ: THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT
CHỦ ĐỀ NHÁNH: SƠN CA VUI HÓT
LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ
HOẠT ĐỘNG: LÀM QUEN VĂN HỌC
ĐỀ TÀI: TRUYỆN SẺ MẸ VÀ SẺ CON
LỨA TUỔI: 3 – 4 TUỔI
Nội dung chính
GIÁO VIÊN: NGUYỄN THỊ THÙY LINH
I. Mục đích yêu cầu:
1. Kiến thức:
– Trẻ nhớ tên truyện và hiểu nội dung câu chuyện: “Sẻ mẹ và sẻ con”
– Biết các nhân vật trong câu chuyện “Sẻ mẹ và Sẻ con”
– Trẻ biết trả lời câu hỏi của cô theo nội dung câu chuyện.
– Thông qua câu chuyện giáo dục trẻ biết yêu thương giúp đỡ mọi người.
2. Kỹ năng:
– Phát triển kỹ năng chú ý, lắng nghe, quan sát.
– Phát triển kỹ năng ghi nhớ,
– Góp phần phát triển vốn từ cho trẻ.
– Phát huy tính tích cực hoạt động của trẻ.
3.Thái độ:
– Trẻ có nề nếp học tập, tập trung chú ý, có ý thức tổ chức kỷ luật, tích cực tham gia vào hoạt động Làm quen với văn học.
II. Chuẩn bị:
– Máy tính, Power Point truyện: “Sẻ mẹ và sẻ con”
– Hình ảnh nội dung câu chuyện.
– Bài hát: Con chim hót hay, Như con chim sẻ, Chim mẹ chim con
– Mũ đóng vai các nhân vật: mũ chim sẻ, mũ sáo
III. Tiến hành hoạt động:
1. Hoạt động mở đầu:
– Trẻ cùng cô vận động bài “Con chim hay hót”.
– Bài hát vừa nhắc đến con vật gì? Vậy các con biết những loại chim nào?
– Cô nói: Xung quanh ta có rất nhiều loài chim, mỗi loài có một đặc điểm và
giọng hót khác nhau. Cô cũng có câu chuyện kể về 2 mẹ con chim Sẻ. Diễn biến câu chuyện này thế nào, cô mời các con cùng lại đây với cô và lắng nghe.
2. Hoạt động trọng tâm:
– Giới thiệu tên truyện: Sẻ mẹ và Sẻ con
– Cô kể chuyện diễn cảm lần: không sử dụng tranh minh hoạ (Trên nền nhạc )
– Cô vừa kể cho các con nghe truyện gì?
– Cô kể lần 2: Sử dụng Power Point cảnh truyện “ Sẻ mẹ và sẻ con”
– Cô mời lớp mình cùng nghe lại câu chuyện này một lần nữa nhé!
* Kể trích dẫn kết hợp giảng từ khó
– Đoạn 1: Từ đầu đến Sáo tạm biệt mẹ con Chim sẻ: Sáo bị đi kiếm ăn gặp mưa to, gió mạnh nên bị ngã, Sáo được Sẻ mẹ cứu đem về nhà chăm sóc.
– Đoạn 2: Sáo lành bệnh tạm biệt mẹ con Sẻ đến hết: Mẹ con Sẻ bị nạn cầu cứu bạn Sáo nhưng Sáo không giúp đỡ.
– Giải thích từ khó:
+ Mưa to như trút nước: nghĩa là mưa rất là to.
+ Thờ ơ: nghĩa là tỏ ra lạnh nhạt, không hề quan tâm, không để ý tới. (Trong câu chuyện Sáo đã giả vờ không để ý, không quen biết với mẹ con chim Sẻ).
– Bây giờ cô và các con cùng chơi một trò chơi nhỏ nhé. Cô là chim mẹ, các con là chim con. Chim con hãy làm theo yêu cầu của chim mẹ nào. Cô và trẻ cùng hát và vận động nhẹ nhàng theo bài “Chim mẹ chim con”
* Đàm thoại:
– Các con rất giỏi cô sẽ thưởng cho lớp mình trò chơi “Ai nhanh hơn” nhé!Cách chơi: Trên màn hình của cô là có rất nhiều chú chim nhỏ. Cô sẽ mời một
bạn lên chọn chú chim mình thích. Cả lớp sẽ xem chú chim nhỏ ấy hỏi chúng ta điều gì. Bạn nào giơ tay nhanh trả lời đúng câu hỏi sẽ được một phần quà. Các bạn đã sẵn sàng nhận quà chưa nào?
+ Câu chuyện cô kể có tên là gì?
+ Trong truyện có những nhân vật nào?
+ Vào ngày mưa gió rét, Sẻ mẹ và Sẻ con đã giúp đỡ ai?
+ Khi khỏi bệnh, Sáo tạm biệt và nói thế nào với Mẹ con chim Sẻ?
+ Mấy tháng sau, khi Sẻ mẹ và Sẻ con đi kiếm ăn thì gặp chuyện gì? Sáo có
giúp đỡ mẹ con Chim Sẻ không?
+ Con thích nhân vật nào? Vì sao?
+ Con không thích nhân vật nào? Vì sao?
* Giáo dục: Các con ạ trong cuộc sống, mọi người phải biết yêu thương giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, như mẹ con bạn Chim Sẻ đã sẵn sàng giúp Sáo, dù nhà nhỏ, dù chỉ còn ít thức ăn nhưng mẹ con Sẻ vẫn nhường cho Sáo. Khi được người khác giúp đỡ thì ta phải biết ơn, Bạn Sáo trong câu chuyện đã không tốt khi quên ơn mẹ con Chim Sẻ đã giúp đỡ mình. Vậy từ nay chúng ta phải học tập lòng tốt của mẹ con chim Sẻ, đừng như Chim sáo nhé.
* Trò chơi: Đóng kịch.
– Cô cho trẻ chọn nhân vật, trẻ thể hiện vai của mình. Cô là người dẫn truyện.
– Quan sát gợi ý cho trẻ thể hiện vai chơi của mình.
– Nhận xét, tuyên dương trẻ
3. Kết thúc
– Cho trẻ hát bài “Như con chim sẻ”, vận động nhẹ nhàng cùng cô.
– Kết thúc tiết học