Đối với mỗi lứa tuổi, trẻ lại có những trò chơi tương ứng để kích thích sự phát triển về mặt thể chất và tư duy.
Nội dung chính
Từ 0 – 1 tuổi
Trong giai đoạn này, các động tác của trẻ phát triển khá nhanh. Trẻ học ngồi, bò, đi, bàn tay cũng cầm nắm đồ vật một các đơn giản, đồng thời trẻ cũng phát âm được một vài từ nhất định (dù chỉ ở mức “ê, a”). Trẻ cũng có phản xạ đối với tiếng nói của người lớn và hình thành phản ứng nhất định với những kích thích của thế giới bên ngoài.
Vì vậy, cha mẹ có thể “thiết kế” một số trò chơi có tác dụng rèn luyện các động tác và giác quan của cơ thể. Ví dụ, trẻ từ 4 – 6 tháng tuổi có thể chơi trò rung chuông với người lớn, cha mẹ rung chuông trước để thu hút sự chú ý rồi đặt chuông ở nơi trẻ có thể vươn tay ra lấy, khi trẻ cầm được và lắc chuông như động tác của người lớn thường tâm trạng sẽ rất vui vẻ, hưng phấn. Cha mẹ nên vỗ tay cổ vũ và cười đùa cùng trẻ.
Từ 1 – 2 tuổi
Trẻ trong độ tuổi này đã biết đi, thậm chí có thể chạy được rồi. Động tác của hai tay cũng có sự tiến bộ rất lớn. Ngôn ngữ của trẻ phát triển nhanh, trẻ biết dùng từ và một số câu đơn giản để biểu đạt ý muốn của mình.
Cha mẹ nên tạo điều kiện và khuyến khích trẻ chơi các trò chơi vận động đôi chân để trẻ học cách đi bộ tốt hơn, tiêu biểu là trò đá bóng luôn được nhiều trẻ hoan nghênh. Đồng thời nên chọn cho trẻ một số trò chơi liên quan đến việc phát âm để kích thích trẻ học nói, như đố tên con vật, đồ vật, nghe các bài hát thiếu nhi…
Từ 3 – 6 tuổi
Khả năng đi, đứng, chạy, nhảy của trẻ ngày càng “thiện nghệ” hơn, sự phối hợp động tác giữa tay chân và một số cơ quan khác cũng ngày càng nhịp nhàng. Bàn tay của trẻ đã thực hiện được một số động tác khó, đòi hỏi sự “tinh tế” nhiều hơn. Đặc biệt giai đoạn này cũng là lúc tư duy phát triển rất nhanh, trẻ đã biết sắp xếp từ ngữ để tạo thành một câu hoàn chỉnh diễn đạt trọn vẹn ý muốn của mình.
Trong lứa tuổi này, cha mẹ nên cho trẻ chơi các trò chơi vừa đòi hỏi sự vận động của cơ thể, vừa kết hợp với sự tư duy. Nội dung trò chơi phải ngày càng tăng, phạm vi trò chơi ngày càng rộng. Các trò chơi như đính hạt cườm (với bé gái), đánh trận giả (với bé trai) tiêu biểu cho kiểu trò chơi này.
Một số chú ý khi lựa chọn trò chơi cho trẻ:
– Chọn trò chơi phải dựa trên đặc điểm cụ thể của mỗi trẻ, nếu trẻ nào phát triển về động tác nhanh hơn trẻ cùng lứa tuổi thì cần tăng cường cho trẻ chơi các trò chơi vận động thể lực. Ngược lại, nếu trẻ nghiêng về hướng phát triển ngôn ngữ thì nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với loại hình trò chơi đòi hỏi phải nghe, nói nhiều.
– Cần chú ý cho trẻ chơi theo độ khó tăng dần của trò chơi, từ đơn giản đến phức tạp. Tránh trường hợp chỉ cho trẻ các trò chơi ở mức độ dễ hoặc chỉ chơi các trò chơi ở cấp độ khó để tư duy và động tác của trẻ được phát triển toàn diện, không bị lệch lạc.
Theo Tri thức trẻ