Hoa hồng Quế son là một trong các giống hoa hồng cổ Việt Nam. KiViBaRa tổng hợp các thông tin về cây hồng này bao gồm nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, công dụng và lợi ích cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.
Nội dung chính
1. Nguồn gốc Hoa hồng cổ quế son
Hồng quế son là giống hồng cổ bản địa của người Việt, có mặt ở nước ta từ rất lâu đời và chưa có kết luận chính thống nào về nguồn gốc xa xưa của chúng.
Quế son xuất hiện khá nhiều trong vườn nhà của các gia đình và cứ lặng lẽ tỏa hương khoe sắc góp phần làm cho không gian sống trở lên tươi đẹp và ý nghĩa hơn
2. Đặc điểm Hoa hồng cổ quế son
Hoa hồng quế son là giống cây bụi, nhiều cành nhánh, tốc độ sinh trưởng nhanh và sống rất lâu năm (có nhiều cây quế son cổ thụ vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm tuổi).
Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh cực tốt, có sức sống mãnh liệt ngay cả trong điều kiện bất thuận. Vì vậy, hồng quế son là một trong các giống hồng dễ trồng, dễ chăm sóc nhất.
Thân cây màu xanh đậm, có gai nhỏ, tán rộng, cuống hoa khá nhỏ và mềm.
Lá lẻ dạng kép hình lông chim, lá thon dài và nhọn, màu xanh đậm, viền lá có răng cưa.
Kích thước trung bình của cây trưởng thành là cao 1,5 – 3 m, đường kính tán 1,2 – 2,5 m.
+ Hình dáng hoa Hoa hồng cổ quế son
Hoa hồng quế son có phom cúp vào mùa đông xuân nhưng bị bể phom nở bung vào mùa hè.
Số lượng cánh từ 15 – 25 cánh, kích thước các cánh hoa gần như đều nhau từ trong ra ngoài. Đường kính hoa bé, trung bình từ 3 – 5 cm. Hoa ra thành từng chùm, mỗi chùm có từ 5 – 10 bông.
+ Màu sắc:
Màu đỏ thắm.
+ Hương thơm:
Hương thơm nhẹ nhàng.
+ Độ lặp hoa:
Hoa lặp nhanh, cứ 4 – 5 tuần cho một lứa hoa mới, rất sai hoa và ra hoa liên tục quanh năm.
+ Độ bền hoa:
Từ khi chớm nở tới khi tàn 2 – 4 ngày, cây có rất nhiều nụ và các nụ nở dần dần khiến thời gian chơi hoa kéo dài.
3. Phân biệt hồng quế son và hồng cổ Huế
Có nhiều người bị nhầm lẫn giữa hai giống hoa hồng cổ này, vì vậy KiViBaRa mạn phép đưa ra một số đặc điểm để nhận biết sự khác nhau giữa chúng:
+ Về thân cành: đốt thân quế son ngắn hơn, thân cứng hơn và nhiều gai hơn cổ huế. Cuống hoa quế son có gai còn cuống hoa cổ Huế không có gai.
+ Về lá: lá cổ Huế trưởng thành màu xanh nhạt có chút gân đỏ còn lá quế son màu xanh tái.
+ Về phom hoa: cổ Huế phom cúp, chuẩn phom cả đông lẫn hè, còn quế son chỉ phom cúp vào mùa đông xuân nhưng bị bể phom nở tung tóe vào mùa hè. Hoa cổ Huế có số lượng cánh nhiều hơn quế son và kích thước mỗi cánh của cổ Huế không giống nhau từ trong tâm ra ngoài trong khi các cánh của quế son gần như bằng nhau.
+ Về màu sắc hoa: cổ Huế có màu đỏ son pha chút phớt hồng phía rìa cánh, cánh hoa có một hoặc nhiều vệt màu trắng ở phía gần nhị. Còn hoa quế son cũng có màu đỏ son nhưng tươi hơn, tất cả các cánh hoa đều màu như nhau từ trong ra ngoài.
+ Về hương thơm: cổ huế thơm hơn quế son.
4. Công dụng và lợi ích hồng quế son cổ
+ Trong cánh hoa có chứa các chất như carotene, vitamin C, vitamin B, vitamin K, kali, canxi, sắt… các chất này tốt cho hệ tiêu hóa, tim mạch và miễn dịch nên thường được sấy khô làm trà hoa hồng.
+ Hoa có thể được cắt lấy bông thắp hương trong những ngày lễ tết, mồng một, ngày rằm, cũng có thể dùng để cắm lọ trang trí bàn làm việc, góc học tập, phòng khách, bàn ăn…
+ Trồng làm cây trang trí trước sân nhà, khuôn viên nhà hàng, khách sạn … Những cây hồng quế son cổ thụ rực rỡ sắc đỏ sẽ là một điểm nhấn ấn tượng trong không gian vườn.
+ Cánh hoa có thể cho vào nước tắm, nước xông hơi giúp làm sạch và bổ sung dưỡng chất cho da. Hương thơm dịu nhẹ của quế son đem đếm cảm giác thư thái, thoải mái.
5. Ý nghĩa Hoa hồng cổ quế son
Hoa hồng quế son tượng trưng cho sự quyết liệt và cháy hết mình trong tình yêu.
Với sắc đỏ thắm, chúng sẽ đem lại may mắn, tài lộc, thịnh vượng cho chủ nhân.
7. Kỹ thuật trồng Hoa hồng cổ quế son
Bước 1: Chuẩn bị nguyên vật liệu
+ Chậu: chậu nhựa hoặc chậu sứ.
+ Đất: đất thịt pha cát.
+ Phân bò hoặc phân gà đã được ủ hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh.
+ Trấu hun dở.
Trộn đất, trấu, phân theo tỉ lệ (thể tích) 5 : 3 : 2. Lưu ý: Không trộn các loại phân động vật chưa được ủ hoai hay phân hóa học vào đất.
Bước 2: Trồng cây Hoa hồng cổ quế son
+ Cho giá thể đã trộn vào 1/2 chậu.
+ Xé bầu ươm nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng tới bộ rễ.
+ Cho cây vào chậu và phụ thêm giá thể vào xung quanh miệng chậu.
Sau khi trồng cần tưới nước và để cây vào nơi râm mát ít nhất 7 ngày.
Sau đó dần dần cho cây tiếp xúc với ánh nắng và có thể bón phân.
8. Kỹ thuật chăm sóc cây hoa hồng quế son trong chậu
+ Ánh sáng: cây ưa nắng, tạo điều kiện cho cây hứng nắng ít nhất 5 – 6 giờ/ngày.
+ Tưới nước:
Tưới nước điều độ để duy trì độ ẩm vừa phải cho đất. Không nên tưới quá muộn, nước đọng lại trên lá dễ phát sinh nấm bệnh. Ngoài tưới, có thể xịt vòi phun áp lực từ mặt dưới lá để ngăn ngừa nhện đỏ hại cây.
+ Bón phân: tùy theo kích cỡ cây để bón phân cho phù hợp.
Nếu cây hoa hồng trưởng thành bón: 2 nắm phân gà/gốc/tháng (chia làm 2 lần bón) hoặc 1 nắm phân dơi/gốc/tháng.
Lưu ý: Ngay sau khi cắt tỉa cành nên bón phân để kích thích cây bật lộc.
+ Cắt tỉa:
Sau mỗi chu kỳ hoa nên bấm tỉa những cành tăm, lá vàng, hoa tàn giúp cây thông thoáng, giảm thiểu sâu bệnh, tạo tán theo ý muốn và đặc biệt cây sẽ bật nhiều mầm lộc, cho nhiều hoa hơn.
+ Sâu bệnh: cây quế son có thể mắc một số sâu bệnh trên hoa hồng, cần phải theo dõi thường xuyên tình trạng của cây để phòng và chữa trị kịp thời.