Kéo cưa lừa xẻ

Tên trò chơi: KÉO CƯA LỪA XẺ

Thể Loại: Trò chơi dân gian.

Dân tộc/ Khu vực: Việt – Việt Nam

Lịch sử: Kéo cưa lừa xẻ là trò chơi dân gian lâu đời, không rõ ra đời khi nào, ai sáng tạo ra. Trò chơi này được nhiều trẻ em, nhất là trẻ vùng nông thôn chơi đùa. Cho đến nay thì trò chơi này đã bị mai một nhiều, không còn nhiều trẻ biết chơi nữa. Để giúp trẻ có tuổi thơ đẹp, tránh xa các trò chơi điện tử có hại cho sức khỏe thì cha mẹ, thầy cô nên dạy trẻ trò chơi này, đây cũng là cách để lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của dân tộc.

Mục đích, ý nghĩa:

– Trẻ được hoạt động tập thể theo nhóm nhỏ. Trẻ được vận động vừa phải đôi tay và thân thể.

– Trẻ phát triển ngôn ngữ: nhớ lời đồng dao và đọc đúng theo nhịp của bài đồng dao có 4 từ có vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc.

Số lượng người chơi: Không giới hạn người chơi nhưng số lượng người chơi phải là số chẵn để xếp theo đôi.

Chuẩn bị:

Không gian chơi:

– Không gian vừa đủ chỗ ngồi cho tất cả mọi người tham gia trò chơi, không quá cần quá rộng. Chỗ ngồi bằng phẳng, sạch sẽ và an toàn. Lưu ý, vì khi chơi trẻ sẽ có động tác ngả lưng xuống nên cần thêm khoảng không gian này nữa, tránh việc va chạm giữa các nhóm khi chơi.

Học thuộc bài hát:

Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ
Hoặc:
Kéo cưa lừa xẻ
Làm ít ăn nhiều
Nằm đâu ngủ đấy
Nó lấy mất của
Lấy gì mà kéo

Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):

– Mỗi nhóm có 2 trẻ ngồi đối diện nhau. Cả 2 đều duỗi thẳng chân ra phía trước, 2 bàn chân đạp vào nhau, 2 bàn tay nắm lấy nhau, cùng đẩy qua đẩy lại như người đang cưa gỗ theo nhịp 2 – 2, miệng đọc lời đồng dao.

– Lời đồng dao kết thúc ở trẻ nào thì bàn cưa xẻ chúc theo trẻ đó. Để trò chơi hấp dẫn, sau mỗi lần kết thúc nên đổi lại lượt bắt đầu để cho mỗi trẻ đều được nhận là “ông thợ bị thua” hoặc là “ ông thợ lười”.

5/5 - (1 bình chọn)