Triết lý giáo dục của người Đan Mạch khiến cho nhiều người trên thế giới phải suy ngẫm về việc dạy con của mình.
Nội dung chính
1. Trở thành người giỏi nhất không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống
Cách giáo dục của người Đan Mạch tập trung vào việc khơi dậy trí tò mò của học sinh và cải thiện bản thân dựa trên việc xây dựng sự tự tin.
Nhà trường khuyến khích học sinh cần phải tin tưởng vào bản thân. Dù hôm nay học trường nào, ngày mai làm gì, ai cũng sẽ có chỗ đứng trong xã hội nhờ tài năng của mình.
Mục đích của nhà trường là dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản nhất. Giáo dục ở Đan Mạch không phải là đào tạo ra những người giỏi nhất mà là có thể giúp đỡ mọi người.
2. Hiểu chính mình cũng quan trọng như khả năng nói và viết
Ở các trường học Đan Mạch, mục tiêu số 1 của việc giảng dạy là phát triển nhân cách cho từng học sinh.
Luật giáo dục ở Đan Mạch quy định giáo dục tiểu học không chỉ cung cấp cho trẻ em những kiến thức và kỹ năng cơ bản mà còn phải chú trọng đến việc bồi dưỡng sự phát triển nhân cách của học sinh.
Giáo dục mầm non (lớp mẫu giáo hoặc lớp dự bị) cần mở rộng vốn từ vựng của trẻ, làm quen với các quy tắc của trường, học cách khoan dung và chuẩn bị đầy đủ cho việc hòa nhập vào cuộc sống tập thể trong tương lai.
3. Kiên quyết chống việc học thuộc lòng
Nhà trường khuyến khích học sinh tự thu thập thông tin, tiến hành thí nghiệm và phân tích lý do một cách độc lập. Học sinh phải biết rằng, họ là những người tham gia học tập chứ không phải giáo viên.
Ngoài ra, giáo viên sẽ rèn luyện cho học sinh thói quen suy nghĩ độc lập, có khả năng nhận định sự việc một cách độc lập và chín chắn, có thể đưa ra ý kiến và đề xuất của bản thân.
Nền giáo dục của Đan Mạch tập trung vào việc truyền cho học sinh lòng tự trọng và sự tự tin, niềm tin rằng mỗi người là một cá thể độc nhất.
Họ còn cho rằng, những phẩm chất cơ bản nhất để thích nghi với xã hội trong tương lai là tư duy sáng tạo, tư duy phản biện chứ không phải là việc học thuộc lòng trong sách giáo khoa.
4. Cảm giác vui vẻ khi học tập của học sinh quan trọng hơn điểm số
Nếu so sánh hệ thống giáo dục của các quốc gia khác dựa trên kết quả kiểm tra, nền giáo dục của Đan Mạch sẽ không bao giờ là số 1.
Vậy tại sao Đan Mạch lại là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới, có hệ thống giáo dục đại học tốt thứ 3 thế giới?
Đối với những người trẻ tuổi chưa có ý tưởng rõ ràng về những gì họ muốn làm trong cuộc sống hoặc những người gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác, hệ thống giáo dục Đan Mạch cũng tạo cơ hội tham gia Efterskole.
Điều đó có nghĩa là thanh thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi có thể dành 1 năm học tại một số trường đặc biệt trước khi quyết định sẽ làm gì tiếp theo.
Các trường đặc biệt này chủ yếu bao gồm những lĩnh vực mà các trường thông thường không có như thể thao, nghệ thuật hay thủ công mỹ nghệ… nhằm giúp những người trẻ có thêm cơ hội khám phá và phát triển tài năng của mình.
Giáo dục Đan Mạch cố gắng tạo ra một bầu không khí hỗ trợ và yêu thương lẫn nhau, đặc biệt là đối với những người đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống xã hội.
5. Mọi người đều có cơ hội bình đẳng
Chỉ 11% người Đan Mạch coi tiền lương là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Ở một đất nước mà người dân phải trả một số loại thuế cao nhất trên thế giới, việc theo đuổi thu nhập cao lại không phải là ưu tiên đối với hầu hết mọi người.
Sẽ không phải là một lựa chọn đúng đắn nếu một người theo đuổi sự nghiệp chỉ vì cân nhắc tài chính và bỏ qua lợi ích cá nhân. Đây là bài học đầu tiên mà học sinh Đan Mạch học khi đến trường.
Ý tưởng của hệ thống hướng nghiệp ở Đan Mạch là chọn nghề nghiệp khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu này, họ cung cấp các dịch vụ xã hội chuyên biệt giúp học sinh trung học chọn một cơ sở giáo dục cao hơn hoặc trường phù hợp với nguyện vọng của mình.
Các cuộc họp thường xuyên được tổ chức để học sinh có thể thảo luận riêng về kế hoạch tương lai của mình với giáo viên.
Theo khảo sát, 50% người trẻ Đan Mạch tin rằng, họ hoàn toàn có khả năng tự do lựa chọn tương lai của chính mình.
Tại Đan Mạch, giáo dục miễn phí và được nhà nước trợ cấp. Tất cả học sinh, bất kể hoàn cảnh nào cũng đều nhận được một khoản trợ cấp để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt.
Phan Hằng
(Theo Sohu)
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-dan-mach-lam-the-nao-de-khien-hoc-sinh-vui-ve-khi-den-truong-d573505.html