Không chỉ người lớn bị hôi miệng mà trẻ bị hôi miệng cũng rất phổ biến. Hôi miệng gây nên những mùi khó chịu khi bé thở, trò chuyện, làm bé mất tự tin trong giao tiếp. Hôi miệng còn là biểu hiện của những bệnh răng miệng thường gặp ở trẻ như sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển nặng hơn, làm hỏng men răng và gây mất răng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng của trẻ sau này.
Dưới đây là các thông tin về tình trạng hôi miệng ở trẻ nhỏ. Việc nhận biết được các tác nhân gây nên chứng hôi miệng sẽ giúp bố mẹ có cách phòng ngừa và biết cách chữa hôi miệng cho con kịp thời hơn.
Nội dung chính
1. Tại sao trẻ bị hôi miệng?
Theo các các bác sĩ, trẻ nhỏ có nguy cơ mắc phải bệnh hôi miệng cao hơn người lớn vì giai đoạn này các bé chưa ý thức được vệ sinh răng miệng đúng cách, và khoảng 70% trường hợp trẻ bị hôi miệng là do các bệnh lí về răng miệng. Bố mẹ nên lưu ý một số nguyên nhân gây hôi miệng ở trẻ để cảnh giác và phòng ngừa như sau:
1.1 Do thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng
– Vệ sinh răng miệng không tốt: Trẻ nhỏ thường xuyên không tự giác đánh răng hoặc chưa biết vệ sinh răng miệng đúng cách. Vì vậy nếu bố mẹ không quan tâm hoặc không giúp bé vệ sinh khoang miệng sạch sẽ thì những cặn thức ăn còn đọng lại ở các kẽ răng tạo môi trường cho vi khuẩn gây mùi phát triển và lây lan, làm hơi thở có mùi hôi.
– Vệ sinh lưỡi không sạch cũng là nguyên nhân gây chứng hôi miệng ở trẻ nhỏ.
– Chế độ ăn uống không hợp lí: Việc ăn quá nhiều đồ ngọt, nhất là vào buổi tối mà không vệ sinh lại răng miệng cẩn thận khiến mảng bám lưu lại qua đêm và cũng gây ra mùi khó chịu. Ngoài ra, thói quen ngậm kẹo cứng trong miệng hay uống nhiều nước ngọt có gas trong thời gian dài cũng khiến cho trẻ bị hôi miệng.
– Trẻ bị hôi miệng vì thói quen xấu: Việc trẻ có thói quen mút ngón tay hay ngậm ti giả mà không được vệ sinh sạch sẽ cũng khiến các vi khuẩn có thể đi vào miệng bé và làm hơi thở của bé có mùi hôi.
1.2 Trẻ bị hôi miệng là do các bênh lý về răng miệng
– Một số bệnh lí răng miệng như bé bị viêm nha chu, viêm nướu, viêm chân răng… có thể làm cho lợi bé bị sưng tấy, nếu không được làm sạch vi khuẩn trong miệng sẽ sinh ra hơi thở khó chịu.
– Có quá nhiều cao răng: Các mảng bám thức ăn lâu ngày không được làm sạch, lâu dần tích tụ thành cao răng, trở thành nơi chứa nhiều vi khuẩn trong khoang miệng gây mùi khó chịu.
1.3 Bé bị hôi miệng là các bệnh về đường hô hấp
– Trẻ em có hệ miễn dịch khá yếu về vậy dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan hay nhiễm trùng đường hô hấp, cúm, cảm lạnh, viêm tiểu phế quản… Vi khuẩn xâm hại hệ hô hấp của trẻ sẽ sinh ra chất dịch nhầy có mùi hôi.
– Các bệnh về viêm mũi, viêm xoang: Khoang mũi bị nhiễm trùng sẽ tạo ra những ổ mủ. Dịch mủ tích tụ lâu ngày sẽ chảy xuống đường hô hấp dưới gây nên mùi hôi trong miệng của con.
1.4 Do bé mắc một số bệnh khác
– Trẻ bị khô miệng: Trẻ nhỏ từ 1 – 8 tuổi sức đề kháng của các bé thường không cao, nên hay dẫn đến tình trạng cảm sốt gây ngạt mũi cho bé, các bé thường thở bằng miệng, làm khô tuyến nước bọt, khiến vi khuẩn phát triển mạnh gây nên tình trạng hôi miệng.
– Trẻ mắc bệnh về gan: Nếu hơi thở của con có mùi hôi nồng, mẹ hãy cảnh giác với những vấn đề không hay liên quan tới chức năng gan của trẻ.
– Trẻ bị các bệnh về đường tiêu hóa: Những mùi lạ phát ra từ hơi thở của trẻ, kèm theo những triệu chứng như nôn trớ sau ăn, biếng ăn có thể dấu hiệu khi bé bị rối loạn tiêu hóa, các vấn đề trao đổi chất và còn là cảnh báo những chứng bệnh liên quan đến dạ dày và trào ngược dạ dày.
Như vậy, hôi miệng vừa là nguyên nhân cũng là triệu chứng của khá nhiều vấn đề răng miệng nguy hiểm, nếu bố mẹ phát hiện thấy những bất thường ở hơi thở của con, bạn nên đưa con đến thăm khám nha sĩ để xác định rõ nguyên nhân và có cách điều trị kịp thời, thích hợp nhất.
2. Các biện pháp phòng ngừa hôi miệng ở trẻ
Bố mẹ có thể chú ý và áp dụng những biện pháp sau để phòng ngừa và giảm chứng hôi miệng cho các con nhé:
2.1 Tập và duy trì cho con thói quen chăm sóc răng miệng khoa học
– Hướng dẫn bé đánh răng đúng cách: Điều quan trọng là bạn nên tập cho bé thói quen đánh răng sau mỗi bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ, tập cho bé chải răng đúng cách để làm sạch các bề mặt của răng, kẽ răng.
– Chú ý vệ sinh lưỡi cho bé: Đối với trẻ nhỏ chúng ta không thể dùng dụng cụ cạo lưỡi cho bé được, vì có thể gây ra tình trạng sợ hãi cho bé, nên dùng gạc rơ lưỡi để vệ sinh vùng lưỡi kết hợp trong quá trình đánh răng cho bé.
Tập và duy trì cho con thói quen chăm sóc răng miệng khoa học
– Tập cho con thói quen súc miệng nước muối ấm hàng ngày, đặc biệt là sau khi uống sữa và ăn đồ ngọt. Bởi nước muối với nồng độ thích hợp, độ ấm vừa phải sẽ có tác dụng sát trùng tốt, làm sạch khoang miệng và hàm răng của con.
2.2 Lưu ý chế độ ăn của con
– Dinh dưỡng là cần thiết cho trẻ nhỏ, nhưng bạn có thể giảm bớt một số gia vị gây mùi như hành, tỏi trong thực đơn hằng ngày của bé.
– Duy trì cho bé chế độ ăn uống lành mạnh, ít đường và chất béo, bởi chất đường là nguyên nhân chính gây ra sâu răng, viêm lợi cho bé và tạo nên mùi hôi khó chịu. Tăng cường các loại rau xanh, hoa quả giòn cho bé bởi các loại này được coi như bàn chải tự nhiên giúp chà xát và làm sạch các mảng bám khó ưa trên răng.
– Tập cho bé thói quen uống nhiều nước để tăng lưu lượng nước bọt trong khoang miệng, ngăn chặn vi khuẩn gây mùi từ khoang miệng.
2.3 Kiểm tra răng miệng định kỳ
Bố mẹ nên lập cho bé một thời gian biểu cho bé đi gặp nha sĩ, để việc bảo vệ răng miệng của bé được tốt hơn. Từ khi bé bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên thì trung bình cứ cách 3 – 6 tháng, bố mẹ nên cho bé đi khám răng một lần để kịp thời phát hiện và chữa trị những bệnh lí liên quan đến răng miệng.
3. Khi nào bé bị hôi miệng mà cần gặp bác sĩ
Các nha sĩ khuyến cáo, những biện pháp nêu trên chỉ có thể áp dụng trong trường hợp trẻ bị hôi miệng do tác nhân bên ngoài. Còn đối với các trường hợp hôi miệng do bệnh lí cơ thể hay sức khỏe răng miệng, bố mẹ nên sớm đưa trẻ đến thăm khám với các bác sĩ nha khoa để có biện pháp điều trị cụ thể.
3.1 Trẻ bị hôi miệng do sâu răng
Khi trẻ bị sâu răng, tốt nhất là bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện hoặc các phòng khám nha khoa để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị. Trường hợp nhẹ, bé được dùng thuốc kháng sinh để chống viêm, giảm đau kết hợp với chăm sóc răng miệng tại nhà. Với trường hợp sâu nặng, xuất hiện lỗ sâu màu đen, răng bị vỡ, mẻ và đau nhức dữ dội thì có thể hàn trám răng cho bé để chữa trị.
3.2 Trẻ bị hôi miệng do viêm lợi
Nếu tình trạng viêm lợi nặng, gây chảy máu chân răng cần cho trẻ tới nha sĩ để được tư vấn, tránh tình trạng viêm lợi phát triển thành viêm nha chu.
3.2 Trẻ bị hôi miệng do cao răng
Cao răng ở trẻ không những gây hôi miệng mà còn gây ra các bệnh lí răng miệng nguy hiểm khác. Cao răng lại không thể làm sạch bằng thao tác chải răng thông thường. Vì vậy, bố mẹ cũng cần chú ý lấy cao răng định kì cho trẻ.
Ngoài ra một số trường hợp trẻ bị hôi thường bất thường có thể là biểu hiện của những bệnh lí nguy hiểm như các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh về gan… bố mẹ cũng nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
Việc chăm sóc răng miệng cho bé ngay từ những ngày còn nhỏ rất quan trọng để sau này bé có một hàm răng vĩnh viễn đều đẹp và khỏe mạnh. Chính vì vậy, bố mẹ nên cùng con xây dựng và duy trì thói quen tự chăm sóc răng miệng khoa học. Bố mẹ cũng đừng quên đưa các bạn nhỏ đến gặp các bác sĩ nha khoa để khám răng định kì, ngay từ khi các bạn nhỏ mọc những chiếc răng sữa đầu tiên.
— Nguồn mầm nhỏ–