Cha mẹ cho bé ăn uống đủ chất, tập thể dục để tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh cảm cúm, viêm phế quản, sốt xuất huyết… thường gặp vào mùa mưa.
Theo Bộ Y tế cảnh báo các bệnh truyền nhiễm gồm sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm. Mọi người nên chủ động phòng bệnh trước nguy cơ “dịch chồng dịch”.
Trẻ em có sức đề kháng còn yếu nên dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Dưới đây là một số bệnh trẻ dễ mắc trong giai đoạn này.
Cảm lạnh, cảm cúm: Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, có hơn 200 loại virus gây ra cảm lạnh thông thường, phổ biến nhất là rhinovirus.
Theo Healthline, các dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh thông thường là nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng. Sau đó, trẻ có thể mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, khó thở… Các triệu chứng thường kéo dài 7-10 ngày, có xu hướng cao điểm vào ngày thứ 5, sau đó dần dần cải thiện. Cảm lạnh thông thường và cảm cúm thường rất giống nhau do có các triệu chứng tương tự. Cảm lạnh hiếm khi gây ra các vấn đề sức khỏe khác nhưng cảm cúm có thể dẫn đến biến chứng như nhiễm trùng xoang và tai, viêm phổi, nhiễm trùng huyết.
Viêm phế quản: Theo Healthline, viêm phế quản cấp là căn bệnh mà bất cứ trẻ nào cũng có thể mắc phải. Một số trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu vốn có sẵn bệnh mạn tính như hen suyễn, dị ứng, viêm xoang hoặc tiếp xúc với khói thuốc, sống trong môi trường ô nhiễm. Bệnh có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra, thường gặp vào mùa mưa. Ho là dấu hiệu rõ ràng của bệnh. Các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, viêm họng, nghẹt mũi, nhức đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi… Cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám, điều trị khi có các triệu chứng trên.
Viêm phổi: Là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp nặng ở trẻ nhỏ. Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, các triệu chứng ban đầu tương tự như cúm bao gồm sốt, ho, đau đầu, đau cơ và yếu người. Trong vòng 1-2 ngày, các triệu chứng thường trở nên tồi tệ hơn, với cơn ho ngày càng tăng, khó thở và đau cơ. Trẻ sơ sinh có thể không có bất kỳ dấu hiệu của nhiễm trùng. Bé có thể nôn, sốt, ho, bồn chồn, ốm yếu hoặc mệt mỏi, đừ người. Căn bệnh này nguy hiểm do có nhiều biến chứng nên cần thăm khám và điều trị sớm.
Sốt xuất huyết: Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, phát triển và lây truyền căn bệnh nguy hiểm này. Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, tăng 148% so với cùng kỳ. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết năm nay nhiều hơn người lớn. Bộ Y tế khuyến cáo, người lớn, nhất là trẻ nhỏ có các biểu hiện như chảy máu, sốt cao, nôn liên tục, đau bụng dữ dội, rối loạn ý thức, tay chân lạnh, khó thở… cần được đưa tới bệnh viện điều trị.
Cách tăng cường miễn dịch
Dinh dưỡng, vận động, giữ vệ sinh… là những cách yếu tố phụ huynh cần lưu ý để phòng bệnh cho trẻ.
Ăn uống đủ chất: Viện dinh dưỡng Quốc gia đưa ra khuyến nghị về công thức dinh dưỡng 4-5-1 để tăng cường hệ miễn dịch. Theo công thức này, mỗi người phải ăn cân đối 4 yếu tố (đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm. Dinh dưỡng trong một ngày phải cân đối những 4 yếu tố, 5 nhóm thực phẩm này.
Chế độ ăn uống cần chú trọng những loại thực phẩm giúp nâng cao hệ miễn dịch như vitamin C, lợi khuẩn…
Các thực phẩm tự nhiên có nhiều vitamin C tốt cho trẻ như các loại trái cây họ cam quýt, quả mọng, ổi, sơri. Tuy nhiên, sử dụng vitamin C liều cao không được khuyến cáo cho trẻ trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Khoảng 70% hệ miễn dịch nằm ở trong đường ruột nên đường ruột khỏe mạnh giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Những ngày mùa mưa, trẻ rất dễ ốm vặt nên cha mẹ nên chủ động cho trẻ ăn uống đủ chất, chọn thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua, phô mai, đậu lên men (natto).
Tập thể dục: Tùy theo độ tuổi mà trẻ sẽ có chế độ tập thể dục khác nhau. Trẻ 6-12 tuổi nên chơi thể thao 3 lần mỗi tuần, khoảng 60 phút mỗi ngày. Các hoạt động thể lực từ trung bình đến mạnh được khuyến khích như bơi lội, bóng đá, bóng rổ… Với trẻ nhỏ hơn, chơi các trò chơi vận động không theo khuôn khổ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, độ dẻo dai, tiêu hao năng lượng để ăn ngon miệng hơn.
Khả năng miễn dịch dựa trên cơ địa: Tùy theo cơ địa, sức đề kháng, mà khả năng mắc bệnh, chống lại bệnh tật của trẻ khác nhau. Một số gene trong cơ thể còn quy định khả năng miễn dịch của trẻ.
Dược sĩ Bùi Thị Hoàng Nhung (chuyên viên tư vấn di truyền tại Công ty Genetica, TP HCM), 6 tháng cuối năm là thời điểm dễ lây lan của virus gây bệnh qua đường hô hấp, nghiêm trọng hơn trẻ nhỏ rất dễ bị viêm phổi, viêm phế quản… Ít ai nghĩ đến là do trẻ thiếu lượng peptid kháng khuẩn (nguyên nhân đến từ đột biến bất lợi trên gene HBD-1). Với các bé có biến thể này, bên cạnh việc bổ sung vitamin và khoáng chất, gia đình cần lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ chất đạm để tăng cường hệ miễn dịch, từ đó, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc từ động, thực vật như thịt, trứng, cá, sữa và nấm, đậu.
Dược sĩ Nhung giải thích thêm, thông qua phân tích mẫu nước bọt, cha mẹ cũng có thể biết được nguy cơ nhiễm cúm của trẻ cao hay thấp, khả năng đáp ứng miễn dịch với các virus gây bệnh đường hô hấp, biến chứng có thể xảy ra… Các bác sĩ, chuyên viên tư vấn di truyền còn đưa ra các gợi ý tối ưu hóa hệ miễn dịch theo hướng “cá nhân hóa”. Nhờ đó, trẻ có thể nâng cao sức khỏe, chống lại bệnh tật tốt hơn.
Giữ vệ sinh sạch sẽ: Môi trường sống của trẻ cần thông thoáng, vệ sinh thường xuyên, diệt lăng quăng giúp phòng tránh sốt xuất huyết. Phụ huynh cần tắm rửa cho trẻ mỗi ngày, hướng dẫn con rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn sau các thời điểm như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rửa tay sạch có thể giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn. Phụ huynh nên trẻ mặc quần áo dài tay, tránh chơi ở chỗ tối, mắc màn khi ngủ tránh muỗi vằn đốt. Đeo khẩu trang cho con khi ra ngoài, đến nơi đông đúc; giữ ấm vùng mũi, hầu, họng khi trời lạnh… giúp phòng các bệnh hô hấp.
Nguồn VNE