Kỹ năng sống không phải những gì cao siêu vời vợi. Đó là những thứ rất thực tế và gắn liền với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Kỹ năng sống cho trẻ mầm non có thể là những điều nhỏ nhặt như tự kéo dây khóa áo khoác cho đến việc học cách hợp tác và chơi hòa đồng với các bạn cùng lớp.
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non (từ 2-5 tuổi) sẽ giúp các em hình thành các hành vi tốt, có cơ hội thực hành và áp dụng các kỹ năng vận động tinh và vận động thô trong cuộc sống hàng ngày, và đặc biệt là dạy trẻ sống có trách nhiệm. Không những thế, bằng cách hướng dẫn trẻ tự thực hiện một số điều cơ bản, chúng ta còn có thể giúp con cái (học sinh) của mình trở nên độc lập và tự tin hơn.
Nội dung chính
Cha mẹ có thể làm gì để giúp con mình phát triển toàn diện các kỹ năng sống?
Có rất nhiều loại hay nhóm kỹ năng sống mà ba mẹ (hoặc đối với đa số trường hợp ở Việt Nam là cả ông bà) cần trang bị cho trẻ như:
Tự phục vụ bản thân: Tự vệ sinh cá nhân, tự sắp xếp chăn gối khi ngủ dậy, tự ăn, tự mặc quần áo, tự gấp đồ, tự giặt đồ, tự học bài …
Tự bảo vệ bản thân: Nhận biết được những gì nguy hiểm, biết xử lý khi bị ngã, biết tự xử lý vết thương …
Tự lập : Dạy con biết tự đứng lên khi ngã, biết nấu những món ăn đơn giản khi ở nhà một mình, biết phân biệt những đồ ăn nào có thể ăn, biết tự đi đến trường, biết chuẩn bị đồ dùng khi đến trường…
Giao tiếp: giúp trẻ biết thể hiện bản thân và diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu và hình thành thói quen cảm ơn, xin lỗi, chia sẻ, quan tâm, yêu thương … khi giao tiếp với bố mẹ, ông bà, thầy cô, bạn bè và cả người lạ.
Ngoài ra còn rất nhiều kỹ năng khác cha mẹ và thầy cô cần giáo dục cho trẻ trong suốt quá trình phát triển của mình như giúp trẻ hình thành sự tự tin (self-esteem) để trẻ biết được mình là ai, cả về phương diện cá nhân lẫn trong mối quan hệ với người khác, hay tự tin trước đám đông …
Phát triển kỹ năng sống cho trẻ mầm non là rất cần thiết vì nhân cách của trẻ được xây dựng từ chính những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt này. Cha mẹ và giáo viên phải giúp trẻ xây dựng “thành trì” này từ từng viên gạch nhỏ một, để nó có thể tồn tại bền vững theo thời gian chứ không phải chỉ là những thói quen tạm thời.
Một số kỹ năng sống cơ bản cho trẻ từ 2-3 tuổi
Ở độ tuổi này trẻ đã có thể bắt đầu học một vài kỹ năng cơ bản về một số công việc nhà và cách sắp xếp quần áo đơn giản như:
Phụ giúp mẹ (cô giáo) dọn dẹp đồ chơi
Tự mặc quần áo (mẹ và cô vẫn cần phải hỗ trợ bé một tý)
Bỏ quần áo dơ vào đúng nơi quy định sau khi thay đồ
Phụ giúp người lớn dọn bàn trước khi ăn
Dọn dẹp bát đĩa của mình sau khi ăn (bỏ chén bát dơ vào bồn rửa)
Đánh răng và rửa mặt (dưới sự trợ giúp của bố mẹ)
Một số kỹ năng sống cơ bản cho trẻ 4-5 tuổi
Ở giai đoạn này, cha mẹ cần ưu tiên hình thành cho trẻ các kỹ năng tự bảo vệ và giữ an toàn cho bản thân. Trẻ cần biết được họ tên đầy đủ của mình, địa chỉ nhà, tên và số điện thoại của ba mẹ, và làm thế nào để liên lạc với người lớn trong những trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, bé cũng cần hoàn thiện thêm một số kỹ năng dưới đây:
Làm một số công việc nhà đơn giản như quét nhà hay hút bụi, dọn dẹp và lau bàn sau bữa ăn.
Cho vật nuôi ăn, uống.
Biết cách phân biệt mệnh giá các tờ tiền và hiểu được sơ lược mục đích sử dụng của loại phương tiện này.
Tự biết cách đánh răng, chải đầu và rửa mặt sạch sẽ, tươm tất.
Phụ ba mẹ đem quần áo dơ đến nơi giặt đồ hoặc phơi quần áo.
Tự lựa chọn quần áo để mặc mỗi ngày.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non trong lớp học
Kỹ năng sống là một phần rất quan trọng trong việc giáo dục đối với trẻ em mầm non và có rất nhiều loại kỹ năng sống có thể được truyền tải bằng cách lồng ghép chúng với các trò chơi của trẻ ở trường. Trẻ em học rất nhiều thông qua trò chơi. Chính vì thế, điểm mấu chốt ở đây là các giáo viên phải kết nối được các trò chơi và những giá trị của chúng để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Muốn hình thành bất kỳ loại kỹ năng sống nào, trẻ cũng cần phải có đủ thời gian và trải nghiệm với chúng. Chẳng hạn như nếu muốn trẻ hình thành các kỹ năng quan trọng để tự sắp xếp và tổ chức cuộc sống, ta có thể tập cho trẻ tự thu dọn đồ chơi, dọn dẹp bàn học hoặc tự phục vụ các bữa ăn xế hàng ngày.
Không phải kỹ năng sống nào cũng đến với trẻ một cách tự nhiên, mà hầu hết người lớn phải giới thiệu và không ngừng khuyến khích hay hỗ trợ trẻ thực hiện chúng. Đối với những kỹ năng này, ta nên chia thành nhiều bước nhỏ và quy định kết quả rõ ràng, cụ thể cho mỗi bước để trẻ có thể hiểu và thực hiện chúng dễ dàng hơn.
Để hình thành được các kỹ năng này, trẻ cần phải có một môi trường học tập an toàn và mang tính nâng đỡ cao. Các em cần được khen ngợi, động viên, khuyến khích, hỗ trợ và tán dương để cảm thấy mình có giá trị mỗi khi tự mình nỗ lực hoàn thành được một việc gì đấy.
Cách tốt nhất để đánh giá mức độ hoàn thiện các kỹ năng sống của trẻ là thông qua quan sát. Do đó các giáo viên cần dành nhiều thời gian để quan sát những thiên thần nhỏ của mình, và ghi chú lại những thành quả của bé để tiện theo dõi.