Thơ chọn lời bình: Trăng quê

Nhắc đến trăng, có lẽ ai cũng biết về vẻ đẹp của nó. Nhưng có bao nhiêu người được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của ánh trăng huyền diệu ấy, nhất là những người đang sống ở thành phố. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ Trăng quê ( Giải 3 Cuộc thi Viết-Vẽ tuổi học trò lần thứ Tư) của tác giả Nguyễn Thanh Nga qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

TRĂNG QUÊ

Thành phố làm gì có trăng
Sáng như quê mình mẹ nhỉ
Thành phố ngập tràn ánh đèn
Vầng trăng lạc loài đơn lẻ
Đêm trăng quê mình đẹp quá
Ánh đèn chẳng dám khoe khoang
Láng giềng bên chiếc ấm tích
Mời nhau những hớp trăng vàng
Trăng quê soi vườn chuối nhỏ
Chuối cười rúc rích lùm cây
Trăng cũng chơi trò đuổi bắt
Dấu mình sau những lùm cây.

Nguyễn Thanh Nga

LỜI BÌNH

Những đêm trăng sáng, các trò chơi dân dã của trẻ thơ như bịt mắt bắt dê, trốn tìm, đánh giặc giã diễn ra thường xuyên nơi làng quê yêu dấu. Trăng cũng gắn liền với tuổi thơ như một người bạn thân thiết. Trăng ở thành phố và trăng ở làng quê theo quan sát và mô tả của em Nguyễn Thanh Nga lớp 12 Văn trường Phổ thông Trung học Năng khiếu Hà Tĩnh cũng khác nhau, mỗi nơi mang một nét riêng biệt. Bài thơ “Trăng quê” gồm ba khổ thơ sáu chữ đầy ấn tượng gửi gắm qua lời tâm sự với mẹ mình để nói lên cảm nhận của em về “trăng”. Bài thơ đoạt giải Ba cuộc thi Viết- Vẽ tuổi học trò lần thứ tư. Ở khổ thơ đầu tiên em Nguyễn Thanh Nga dẫn dắt độc giả đến với trăng:

“Thành phố làm gì có trăng
Sáng như quê mình mẹ nhỉ
Thành phố ngập tràn ánh đèn..”

Quả như nhận xét của em, trăng thành phố khuất lấp bởi những ngôi nhà cao tầng, những tán cây xanh hai bên đường và bóng đèn cao áp tỏa sáng, trẻ em ít có dịp nhìn thấy trăng và cảm nhận được thứ ánh sáng huyền diệu đến mê hoặc của vầng trăng. Nhiều em bé ở thành phố không còn biết đến trăng và những chu kì đầy, khuyết của nó. Trăng trở thành xa lạ với các em, ngay cả đêm Tết Trung thu cổ truyền khi cỗ Tết với bao nhiêu bánh trái bày ra dưới ánh đèn mà không có lấy một khoảng không để “ông trăng” ghé xuống. Và “vầng trăng” huyền diệu kia cũng ngậm ngùi với số phận khi lạc vào nơi ánh đèn điện rực sáng suốt đêm, nó bỗng trở thành lẻ loi đơn chiếc trên bầu trời đêm“Vầng trăng lạc loài đơn lẻ..”Một khám phá, một chiêm nghiệm của Nguyễn Thanh Nga khi nghĩ về vầng trăng nơi thành phố và đó cũng là nỗi buồn thăm thẳm không bút mực nào tả hết của vầng trăng ở nơi này.

Đối lập với vầng trăng thành phố, phía trên mảnh sân nhà là bầu trời rộng lớn và vầng trăng quê rực rỡ hiện lên. Ánh trăng tỏa sáng khắp vùng làm cho ánh đèn đường quê cũng nhạt nhòa vì nó. Có trăng, đèn chẳng dám khoe khoang là mình sáng nhất

“Đêm trăng quê mình đẹp quá
Ánh đèn chẳng dám khoe khoang..”

Dưới ánh trăng ấy “Láng giềng bên chiếc ấm tích” và những sinh hoạt đời thường diễn ra, là nơi láng giềng, bạn bè quen thuộc cùng thưởng thức bát nước chè xanh đặc quánh sau một ngày lao động vất vả. Ở câu thơ thứ tư của khổ thơ thứ hai này chủ nhà mời láng giềng uống nước dưới trăng hay mời uống cả ánh trăng vàng hòa lẩn vào trong đó “Mời nhau những hớp trăng vàng”. Tác giả Nguyễn Thanh Nga đã vận dụng lối thậm xưng mang tính suy diễn viết nên một câu thơ hay, giàu hình ảnh, từng chữ từng câu của nó lấp lánh trong con mắt người đọc, thổi hồn vào người đọc để dễ dàng yêu quý và cảm nhận nó. Mặt khác ở cụm từ “những hớp trăng vàng” ta liên tưởng đến hình ảnh của “ánh trăng vàng” mà các em đã từng được đọc, được nghe qua câu ca dao mới “Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi..”. Phải chăng Nguyễn Thanh Nga đã thực sự thành công khi biết khai thác những ngôn ngữ biểu cảm tuyệt hay đó từ câu ca dao trên vận dụng sáng tạo lồng ghép vào câu thơ của mình một cách tài tình không gượng ép làm cả bài thơ vượt lên khả năng tư duy thơ so với lứa tuổi học trò.

Trăng quê không chỉ hòa nhập vào cuộc sống của con người mà cũng là niềm vui của muôn loài. Tác giả Nguyễn Thanh Nga đã dẫn dắt người đọc chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác của trăng, mở ra nhiều chiều liên tưởng cho người đọc. Ở dưới thấp trăng làm vui vườn chuối nhỏ

“Trăng quê soi vườn chuối nhỏ
Chuối cười rúc rích lùm cây..”

và ở trên cao trăng lại đang chơi trò đuổi bắt với mây

“Trăng cũng chơi trò đuổi bắt
Giấu mình sau những lùm cây.”

Hình tượng của trăng, của chuối, của mây là những hình ảnh thực và ảo đan xen, được nhân cách hóa làm cho khổ thơ biểu cảm, sống động, gần gũi và phù hợp với tư duy của trẻ thơ.
Bài thơ Trăng quê đã khép lại nhưng những hình ảnh của trăng quê và dư âm của nó vẫn còn mãi trong lòng chúng ta.

Nguyễn Văn Thanh

Rate this post