Tổng quát về chim Cu gáy

Không giống như những loại chim cảnh khác, thú chơi chim cu gáy từ xưa đến nay của người Việt Nam hấp dẫn bởi sự tao nhã, mộc mạc, âm thanh chim cu gáy gắn bó với hình ảnh làng quê yên ả với sắc vàng của lúa chín, màu xanh của hàng dừa, thanh bình của lũy tre làng. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thú nuôi Chim Cu Gáy nhé !

Phần 1 – Chim Cu Gáy

wikipedia : Cu gáy (danh pháp khoa học: Streptopelia chinensis) là một loài chim trong họ Columbidae. Chúng là loài chim bồ câu khá quen thuộc với nông thôn Việt Nam.

Lông: Đầu, gáy và mặt bụng nâu nhạt hơi tím hồng, đỉnh và hai bên đầu phớt xám, cằm và họng có khi trắng nhạt, đùi, bụng và dưới đuôi màu hơi nhạt hơn. Lông hai bên phần dưới cổ và lưng trên đen có điểm tròn trắng ở mút tạo thành một nửa vòng hở về phía trước cổ. Mặt lưng nâu, các lông có viền hung nhạt rất hẹp.
Chim cu gáy chủ yếu được nuôi ở nông thôn, vì loài chim này chủ yếu ăn lúa (thóc), bắp (ngô), …. Chúng thường kiếm ăn ở các cánh đồng, bãi đất trồng lương thực của người nông dân. Những người chưa chơi cu gáy thường cho rằng tiếng cu gáy buồn và đơn điệu. Nhưng những ai am hiểu và đam mê về nó thì thấy không phải như mọi người nghĩ . Những cái hay của cu gáy chỉ có những người nuôi ,chăm sóc nó mới cảm nhận hết được và khó có thể diễn tả ra bằng lời.

Ngoài tự nhiên, chim cu thường sống theo cặp vào mùa sinh sản hoặc theo đàn khi đi kiếm ăn. Từ tháng hai đến tháng tám,tháng chín Âm lịch là mùa sinh sản của chim cu gáy. Tổ chim cu gáy thường đơn giản, không cầu kỳ. Mỗi cặp chim thường đẻ 2 trứng và thay nhau ấp (chủ yếu là chim mái ấp) khoảng 17,18 ngày trứng sẽ nở. Chim bố mẹ sẽ thay nhau ấp ấm và đi kiếm thức ăn cho chim con.

Cu gáy đẻ 2 trứng

 

Phần 2 – Tiếng chim cu gáy

Tiếng chim cu khi nghe nếu không am hiểu chúng ta chỉ nghe thấy “cúc cu, cúc cu” là con chim cu gáy ? . Nhưng nếu là người nuôi có sự am hiểu về loài chim này, chúng ta mới biết nó không chỉ đơn giản vậy vì chim cu gáy thường chia làm phân làm nhiều giọng với nhiều chất âm khác nhau nữa.

I. Giọng

– Giọng trơn: khi gáy chỉ có ba tiếng Cúc Cu Cu, Chim gáy giọng này ít ai chịu nuôi, vì được đánh giá là giọng tầm thường, vì đa số Cu gáy thường có giọng trơn này.

– Giọng chiếc: còn gọi là giọng một. Khi gáy ngoài ba tiếng Cúc Cu Cu ra, còn thêm một tiếng Cu sau cùng nữa. Thí dụ : Cúc Cu Cu…cu ! Cúc Cu Cu… cu !

– Giọng đôi: còn gọi là giọng hai. Khi gáy, ngoài ba tiếng Cúc Cu Cu ra, còn thêm hai tiếng Cu Cu sau cùng nữa. Thí dụ : Cúc Cu Cu… cu cu ! Cúc Cu Cu …cu cu !

– Giọng ba: Khi gáy, ngoài ba tiếng Cúc Cu Cu ra, còn thêm ba tiêng Cu Cu Cu sau cùng nửa. Thí dụ : Cúc Cu Cu…cu cu cu ! Cúc Cu Cu…cu cu cu !

– Giọng bốn: nhiều người còn goị là giọng cà lăm. Khi gáy, ngoài ba tiếng Cúc Cu Cu bình thường ra, còn nói thêm bốn tiếng cu cu cu cu liền theo sau nữa. Thí dụ, chim gáy giọng bốn như sau : Cúc Cu Cu… cu cu cu cu ! Có lẽ do giọng gáy này khá dài nên nhiều người mới gọi đó là giọng…cà lăm chăng? Thế nhưng tìm cho được con chim có giọng cà lăm tức giọng bốn này không phải dễ, vì nó rất hiếm, ngàn con chưa chắc dã chọn ra được một. Ngày chím biết gáy giọng ba cũng được coi là hiếm rồi. Chim gáy giọng đôi cũng quí hơn chim gáy giọng chiếc.

II. Âm

Nghe giọng cu gáy xong, ta xem âm của nó hay dở hay sao, xem âm có tròn tếng hay không (cũng như ta nghe một ca sỹ hát ta thích tiếng hát phải trong và tròn tiếng). Đây cũng là việc cực kỳ khó khăn mà chỉ những người chơi lâu và chịu khó để ý mới phân tích được kỹ càng,còn người mới vào nghề thì chắc không tài nào hiểu nổi. Nếu xét kỹ hơn thì giọng chim gáy có bốn loại âm chính: Âm thổ, âm đồng, âm son và âm kim.

1- Âm thổ: Chim gáy có âm thổ thì giọng trầm,trong âm thổ có bốn âm sau đây

– Thổ đồng: âm trầm ,âm cuối kéo dài và ngân vang cao lên như tiếng chiêng cồng nhưng phải tròn và trong tiếng . Âm thổ đồng mỗi nơi có cách đánh giá khác nhau
– Thổ bầu : Âm trầm mà ồm to lên, nhưng nghe hơi buồn , nhiều người nhầm với thổ đồng
– Thổ sấm hoặc thổ rền : Âm trầm mà rền vang như tiếng sấm
– Thổ dế : Âm trầm mà nhỏ rỉ rả như tiếng dế gáy

2- Âm đồng: Chim gáy có âm đồng thì đặc biệt tiếng đầu cũng phải ngân vang . Âm đồng có nhiều loại:

– Đồng pha thổ:âm đầu ngân vang nhưng sau trầm trầm
– Đồng pha son: Âm càng lúc càng ngân vang lanh lảnh
– Đồng pha kim: Âm càng lúc càng nhỏ nhưng vẫn vang xa

3- Âm son: Chim gáy có âm son(âm chuông) vì giọng chim ngân vang như tiếng chuông rền, nghe có vẻ hùng tráng , oai

vệ.Âm son có nhều loại:
– Son pha đồng: âm to mà rền vang
– Son pha kim: âm càng lúc càng nhỏ, nhưng vẫn vang xa

4- Âm kim: Chim gáy có âm kim thì tiếng nhỏ và vang xa như tiếng đánh kẻng. Trong âm kim có nhiều loại như:

– Kim pha đồng: Tiếng nhỏ nhưng âm cuối ngân cao vang kéo dài
– Kim pha son : Tiếng ngân vang xa, tròn tiếng
– Kim pha thổ : Tiếng nhỏ nhưng tiếng cuối trầm trầm.

Để phân tích một giọng chim cu gáy thật chính xác không phải dể dàng và mỗi vùng miền phân biệt một khác ,tuy nhiên đều có điểm chung như trên. Ai hiểu thấu đáo được điều này chắc chắn người đó gặp nhiều điều thú vị khi lắng tai nghe chim đang gáy và nhiều người chơi chim gáy đấu có gắng trong cuộc đời siêu tầm hoặc nghe bằng được các giọng trên . Đến đây , thì chắc chúng ta không còn ngạc nhiên khi người ta lại say mê cu gáy đến vậy. Thực ra để chọn một con cu gáy hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn trên thật khó, mỗi con mỗi giọng , con chim gáy hay phải là con chim đủ tiếng chu,lèo,dặm ,vấp .Thường chim thổ pha mới hay hội tụ đầy đủ những tiếng trên và còn hay hơn nữa có con gáy gọi giọng kim và khi đỗ ( thúc) giọng thổ nghe như hai con chim đang gáy. Những người chơi chim gáy đấu thì săn lùng bằng được những con chim đủ tiếng và chịu đấu để mang đi thi đấu,tuy nhiên khác với cu đấu cu mồi cần chú trọng tiếng chim êm êm không được gắt quá, nước dụ tốt bài bản và bền chim .

Phần 3 – Kỹ thuật chọn chim cu gáy đấu

Để tìm chú chim cu gáy hay có đủ tiếng chu,lèo,dặm,vấp,đe,mơ thì quả quá hiếm .Nếu nghệ nhân nào sở hữu chú chim trên thì khó có thể nhượng lại và nếu tìm mọi cách để người chơi chim nhượng lại thì giá cũng rất cao, nhưng đó không phải thú của người chơi chim.Chơi chim tự mình đi tìm chọn mua những chú chim mộc vừa bẫy về hoặc tuyển lựa chú chim mộc dở rồi chăm sóc nuôi nổi lên và có tiếng thì có gì đáng quý bằng . Thời kỳ đầu chơi chim gặp các tiền bối chơi chim chỉ dạy cách chọn chim hay, qua các các vần thơ và các câu ca dao của các cụ chơi chim từ xưa để lại để làm tiêu chí lựa chọn chú chim cu gáy hay .

Cụ thể :

– Câu thơ của cụ Quyến và cụ Hai Tự sống ở Bắc ninh

” Lấy điều làm thú giải phiền
Nghề chơi cu gáy chẳng phiền đến ai
Chơi thì phải tỏ phải tinh
Chơi thì phải biết thế nào chim hay
Ngẫm xem các giọng cho tinh
Ai mà biết được hiển vinh trên đời
Âm kim âm thổ âm đồng
Âm son thánh thót để lòng đắm say
Về phần đoán được chim hay”
” Mỏ đinh khóe lõm đầu xanh mắt đỏ cổ cò
Vai dày ức nở thân phình đuôi thon
Chân thì quản ngắn và to, móng thái bảy vảy đó là chim hay”

– Câu ca dao Thanh hóa:
“ Thứ nhất lông mũi thò ra,thứ nhì chéo cánh, thứ ba dày cườm”

– Câu ca dao Thủy nguyên:
“Đầu xanh,đáy biếc,mắt liếc viền thau,cánh mau chim sẻ,ngực nở cườm sa”
Hoặc “Đầu nhỏ,mỏ đinh,đáy xanh,mình trắm, ngực nở,cườm sa”

Và đặc biệt câu “ Nhất huỳnh kiên,nhì liên giáp,tam quá khóe,tứ chân khô,ngũ liên hoàn, lục cườm rựng”.

=> Qua kinh nghiệm thực tế đã học hỏi các bậc tiền bối chơi chim và sở hữu được nhiều chú chim đủ tiếng, tôi xin tổng hợp cách chọn chim cu gáy hay :

1- Mỏ thẳng(mỏ đinh hoặc mỏ chim sâu, hoặc mỏ hạt thóc) chim gáy mau,nhanh sào và thường có tiếng nhịu và vấp. Lỗ mũi to gồ lên và dài sẽ gáy lớn tiếng. Phần chóp mỏ gồ lên và thuôn xuống hoặc mỏ kênh(nhìn khe hở giữa hai mỏ) dứt khoát có lèo kép(nếu mỏ kênh cả trên và dưới thì càng quý).

2- Chỉ dàm nhỏ hoặc to nhưng phải rõ nét và kéo dài đến khóe mắt và đậm phần cuối, chim gáy dai dẳng .Chim chỉ dàm

mảnh dễ mau nổi hơn, ngược lại chim chỉ dàm đậm thì lì và nuôi lâu nổi.

3- Đầu chim nhỏ ,lông đầu màu xanh xám, mắt nhỏ đóng sâu không lồi, màu vàng lửa hoặc đỏ,viền vàng nhiều lòng đen thu nhỏ, chim mau nổi và dữ chim. Chim mắt lồi, màu vàng nhạt thau cộng chân cao chim hay nhát và lâu nổi(vì chim nhát quá mà), chim đầu sà(đầu rắn) cũng nhát người và lâu nổi. Cổ cao thắt giữa cùng với khổ cườm cao rộng chim thường tiếng to . Chim đầu hình chữ nhật ,nhìn trên bằng phẳng và kéo dài đến cườm hay gáy thừa tiếng.

4- Khổ cườm lớn đóng cao và vuông phần cườm trên, sa càng xuống vai càng tốt(cườm phải cao và sa cườm) chim gáy to và mau sào, hạt cườm dày và nhỏ đều nhau(cườm kê) chim siêng gáy bền hơi, cườm phải rựng hoặc nhiều cườm giắt, cườm phải tướp ,cườm xếp hai hàng hoặc cườm rối thì thường chim có lèo và dặm , khỏe chim có thể chơi được bốn mùa(cườm tướp thường tương ứng với lông chim mỏng và nhỏ, như vậy bộ lông chim mới dày và chim được giữ ấm trong mùa lạnh).Cườm đen nhiều sẽ gù nhiều, chim có sợi cườm đơn nhỏ mảnh tách biệt các hạt cườm khác và phía dưới gần hạt cườm vàng thì hay có tiếng chu.Cườm vàng nhiều và kéo cao lên sau gáy , chim có giọng ngân vang và nhiều gù .

5- Mình bắp chuối(trước tròn nhỏ và giữa phình to và thon dài về sau), ức nở, lông mỏng sáng màu ép sát mình, lông quy nhỏ và nhọn đầu,lông quy cánh có đường chỉ đen nhỏ và mịn, cánh chim dài cánh chéo che hết phao câu,chim sẽ khỏe và bền chim . Đuôi phải to và dài cuống đuôi vót ,chim già và khôn. Đáy chim(đáy phao câu) sám hoặc hồng thường bền chim, đáy nâu sẫm(giống màu ngực cộng với cườm hạt vuông đều , khổ cườm lớn và cườm vàng đóng nhiều, mình tròn và trường chim hay có giọng thổ đồng. lông mã phấn hồng hoặc sậm tía(chim vùng phía bắc) kết hợp với đáy sám đều và nâu tía đều thường giọng chim sẽ nghe trong trẻo. Lông quy trên cánh nhỏ và nhọn đầu có viền sáng ngoài xếp chồng lên nhau(nhiều lông quy kẹp đôi) thì chim thường có lèo dặm. Dáng đứng thẳng đuôi quặp xuống cầu , đầu cất cao khi gáy thường gáy mau, lông lưng dày gồ lên(lưng gù) khi gáy cổ vươn cao dáng thẳng không nằm ngang thường chim đực và khỏe chim.

6- Chân to và khô nhiều vảy mốc trắng hoặc các kẽ vảy mầu trắng khỏe và già chim. Chân to vuông ,vảy nhặt ken dày, vảy chân giao long hoặc mấy hàng vảy sát bàn chân có các vảy giao nhau ,các ngón chân giữa có vảy dắt thì đều có lèo vậy. Chân có màu đỏ tím thẫm mốc trắng hoặc đỏ tươi mốc trắng đều tốt. Chân thấp to và vuông dáng quỳ ,lông phủ gối cộng với đầu quả mận, khổ cườm lớn hạt cườm vuông đều , mũi nhỏ và dài thường giọng thổ và lỳ chim.Chim chân cao,đầu tròn nhỏ và mũi hếch , khổ cườm nhỏ hạt cườm nhìn trắng lốp thường giọng kim…

Kỹ thuật chăm sóc và luyện cu gáy đấu.

I- Kỹ thuật chăm sóc chim cu gáy

Hầu như người nuôi chim thích làm thức ăn bằng cách kết hợp nhiều loại hạt khác nhau, có thể hạt quả,hạt cỏ và hạt các cây lương thực như lúa, ngô, đậu xanh, đậu tương, lạc , vừng ,ngoài ra chim có thể ăn giun đất và các hạt sạn hoặc đất . Mỗi người có một cách chăm chim khác nhau , tuy nhiên theo tôi để chim luôn được căng chúng ta chăm sóc chim gáy nên ổn định chế độ ăn và uống và phơi nắng .

1.Lúa : nên chọn hạt ngắn, trước khi cho ăn, chúng ta nên đãi sạch,vớt hết các hạt lép và ngâm trong nước cho khoảng

một nắm muối khoảng nửa tiếng rồi đem phơi khô ( làm như vậy vì thóc chúng ta mua ngoài chợ đa số đều nhiều hạt lép và có thể có chất bảo quản thóc diệt nấm mốc có thể hại cho chim) rồi cất giữ chúng nơi khô ráo hay bỏ vào chai lọ hoặc hũ sành rồi đậy kín lại để tránh ẩm móc và côn trùng rồi cho ăn dần. Lúa là thức ăn chính của chim cu gáy do vậy chúng ta không nên lạm dụng các hạt và củ khác .

Chúng ta cũng biết rằng. Rất nhiều loại hạt có thể giữ cho chim cu sức khỏe tốt, như bông cỏ và hạt cải xanh giúp tiêu hóa, lúa mạch đen giúp chất bổ cho bộ lông, đậu và kê thì dồi dào chất bổ, vừng lạc thì có chất dầu nên giữ cho lông bóng và cứng hơn. Tuy nhiên theo cách của tôi , tôi trộn đều 3 thứ : hạt kê 3 phần,vừng đen 1 phần, hạt cải một phần . Một tuần tôi cho ăn 2 lần mỗi lần một cóng để bổ xung chất cho chim , ngoài ra xen kẽ mỗi tuần một lần tôi cho chim ăn thêm 10 hạt lạc bẻ nhỏ và ít đậu xanh, tuy nhiên có con chỉ ăn lạc mà không ăn đậu xanh do vậy tuỳ con chim mà ta có thể điều chỉnh nhưng chế độ ăn nên ổn định không được thấy chim thích ăn lạc hoặc kê ngày nào cũng cho ăn cũng không tốt lúc đó chim bỏ ăn lúa mà lúa là thức ăn chính(Gluxit)

2.Nước : Nước cho chim cu uống phải là nước sạch, nếu dùng nước máy thì đừng che đậy và chờ cho chất clo bốc hơi hết mới được dùng.Đừng thay đổi nước uống ,nếu thay đổi nước uống và chế độ ăn thất thường chim rất dễ bị thay lông

3. Đất Sạn (cát) : Chim cu trong tự nhiên rất cần ăn sạn để nghiền nát thức ăn nhất là những hạt già và cứng. Chim cu cần chất vôi để tạo vỏ trứng và sú thức ăn cho chim con. Đặt biệt cho việc sinh sản và tạo xương của chúng. . Đất sạn không nên trộn chung với thức ăn mà phải chứa vào cóng riêng. Ngoài ra chúng ta có thể nửa tháng cho chim ăn phân giun phơi khô , hoặc đào vài con giun lên cho chim ăm thêm , có con mổ ăn cả giun có con không ăn , nhưng phân giun thì tôi thấy con nào cũng ăn. Để bổ xung cho chim ăn khoẻ và tăng thị lực cho chim tránh đau mắt mỗi tháng lấy 1 ống B1 tiêm cho vào cóng nước để chim tự uống dần, và cho 2 viên dầu gấc bóp vào cóng thóc hoặc cóng kê để chim tự ăn là tốt nhất.

4.Chế độ tắm nắng : Theo tôi đặc biệt quan trọng vì chúng ta nuôi trên cao và để trong nhà thường xuyên nên chim cần hạ thổ và quang hợp ánh sáng kết hợp ở dưới đáy lồng ta cho ít cát vàng để chim ăn hạt sỏi luôn cũng có thể để chỗ có nhiều phân giun để chim ăn .Nếu mùa hè vào khoảng 6h30 sáng và 5h30 chiều chúng ta hạ thổ khoảng nửa tiếng là tốt nhất để chim vừa tắm nắng sạch sẽ và chim tranh thủ ăn uống , còn mùa đông chúng ta nên che kín 3 mặt để tránh gió lùa và tranh thủ buổi trưa lúc nào có ánh nắng là ta có thể cho chim tắm . nếu làm được như vậy chim sẽ khoẻ và lông chim óng mượt .

II- Kỹ thuật luyện chim cu gáy đấu:

Nhiều bác cũng biết rằng mục đích của chim gáy đấu khi mang đi bất cứ đâu thì treo lên phải gáy và ra tiếng . Tuy nhiên để chim lúc nào mang đi cũng đấu và ra tiếng thì chúng ta phải tập luyện dần.
Trong nhà ,nếu chúng ta nuôi nhiều chim theo tôi tốt hết phải tách những con chim đã nổi và già tuổi lồng ra góc riêng và những con chim mới nổi hoặc chưa nổi để cách xa , và lưu ý mỗi con chim chúng ta treo cách xa ít nhất khoảng 3 m, ban đêm khi ngủ có thể để gần ,nhưng buổi sáng phải tách ra ngay. Đặc biệt lưu ý chúng ta đổi chỗ treo lồng thường xuyên nếu nhà chúng ta không có cây để chim luôn thích ứng với các vị trí mà vẫn gáy.

Hàng tuần chúng ta chọn những con đã nổi căng mang đi đến nhà khác có chim chơi và treo cách xa khoảng 2 đến 3m để chim tập đấu , nếu nhà nào có cây thì càng tốt ,ta lên treo mỗi con một cây, nếu có điều kiện thì tuần 2 hoặc 3 lần đi như vậy thì càng tốt , tốt hơn hết nếu chúng ta gần chim rừng thì cho chim đấu với chim rừng thì chim nhanh căng và ra tiếng . Tuy nhiên nếu nhà nào vườn rộng hàng tuần ta nên lấy một cây sào treo cách mặt đất 2m , rồi treo xen kẽ chim nhà và chim của bạn mỗi lồng cách nhau 50cm để chim tập đấu , nên treo như vậy khoảng 30 phút rồi tách từng con ra treo riêng từng cây,chúng ta thường xuyên như vậy chim quen đấu và ra các tiếng khi để sát lồng(dùng chim đi thi đấu tính điểm). Lưu ý đối với những con chim mới nổi hoặc chim già mới thay lông xong khi đấu sát gần gần như vậy chúng ta phải chú ý theo dõi , nếu thấy chim đứng thẳng người và sù lông đầu lúc gáy lúc không thì nên tách ra ngay treo riêng tránh bị chột chim.

Vì chim gáy đấu tiếng gáy rất dữ nếu chúng ta treo chim mới nổi bên cạnh gặp con chim già thổ sấm hay thổ đồng có tiếng chu, đe ,chim mới nổi sẽ sợ không dám gáy ,nếu chúng ta không biết và thường xuyên treo gần sẽ làm chim bị chìm chim, chim sợ không dám ăn uống nuôi nổi lại rất lâu .Đây là kinh nghiệm xương máu của bạn tôi(bạn tôi nuôi gáy đã nhiều năm , vừa rồi tôi gửi anh bạn mấy con chim gáy đấu già tuổi lồng nhờ chăm sóc hộ, anh bạn có chim nuôi 2 năm mới nổi tiếng tốt treo bên cạnh, hai ba ngày đầu chim đấu rất hăng vì mỗi con treo một cây do hai hôm vừa rồi trời mưa xuân nên bác treo con chim mới nổi giữa 2 con chim già của tôi ở hiên nhà , do bận nên chiều tối hôm sau bác kiểm tra cho chim ăn thì thấy chim của bác đang đứng giương 2 cánh chân bám chặt cầu lồng, sờ thấy chim vẫn ấm nhưng đã tắt thở , thóc nước vẫn còn, …nguyên nhân chết do chim sợ quá thúc mạnh đầu lên mái lồng ,thật tiếc con chim hay ).

Phần 4 – Thú Vui Bẫy Chim Cu Gáy

Ngoài chăm sóc và nuôi dưỡng ở nhà, người nuôi chim cu còn sử dụng những chú chm cảu mình để đi bẫy – kiếm về những chú chim hay để nuôi và với họ đi bẫy chim cũng chính là đi giải trí. Có 2 phương pháp bẫy chim hay sử dụng nhất là bẫy lồng và bẫy đất. Cả 2 phương pháp này đều cho người đi bẫy nghe và đánh giá được chú chim mà mình bẫy được.

1. Bẫy lồng : là sử dụng 1 chiếc lống bẫy, 1 bên để chim mồi và 1 bên làm bẫy, gồm hệ thống cầu tử và lưới. Chim mồi sẽ gáy gọi chim rừng về, khi nghe tiếng chim đang thôi thúc, thách thức mình, con chim rừng sẽ bay đến gù. Hai chú chim sẽ gù qua gù lại, gáy qua gáy lại, lúc này là lúc cao trào của cuộc đi bãy chim. Không chịu nổi tiếng thôi thúc, chim rừng bay vào đá và thế là dính bẫy.

2. Bẫy đất: Cũng giống như hình thúc bẫy bằng lồng, bẫy đất xuất hiện muộn hơn và có nhiều ưu điểm hơn là bẫy lồng. Bẫy đất sẽ tốt hơn với trường hợp chim nhát cây, nhát lồng. Nghe tiếng gáy, chim rừng bay đến và thăm dò, trong mắt nó không hề nhìn thấy ụp chim mồi và bẫy chân, theo bản năng nó sẽ đấu đá và dẽ dính bẫy.

Phần 5 – Tổng Kết

Âu cũng là một thú vui, nó sẽ phù hợp từng thời điểm, từng đối tượng nuôi khác nhau.

Hiện nay, số lượng chim cu gáy ngoài tự nhiên đang giảm sút đáng kể, chủ yếu là do các hình thúc đánh bắt mới với mục đích khác, đó là nhà hàng, quán nhậu.

Thực tế đáng buồn, số người chơi và chăm sóc chim cu ngày càng ít hơn, số lượng chim tự nhiên cũng ít và ngày càng mất đi cái chất của vùng miền. Là một người nuôi chim, hãy cùng nhau bảo vệ các loài chim để đòi con cháu chúng ta con đucợ nghe thấy tiếng chim hót, tiếng “cúc cù cu cu cu – cúc cu, cúc cu – con chim cu gáy”

Sưu tầm và cập nhập by #Hùng – divoitoi.com

Rate this post