Thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển, khiến số trẻ mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa, truyền nhiễm gia tăng.
Ngày 8/2, ngồi ở phòng bệnh khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, chị Hoa một tay bế con, một tay giữ ống thở khí dung. Bé trai 12 tháng tuổi, con chị, liên tục quấy khóc, lấy tay giật ống khí dung, khiến người mẹ phải đứng lên ngồi xuống dỗ dành. Ba hôm trước, bé húng hắng ho, sau đó chuyển sốt cao, chảy mũi, khi nhập viện các bác sĩ chẩn đoán đã viêm phổi.
Tại khoa Truyền nhiễm, chị Linh, 50 tuổi, dẫn theo bé 14 tuổi đến khám thủy đậu nặng dù đã tiêm phòng. Bệnh nhi bị nổi chi chít các nốt bọng trên cơ thể, cả trong miệng khiến em rất khó chịu. Chị cho biết vì nghĩ bệnh thủy đậu cần kiêng gió, kiêng nước nên không dám cho con tắm gội hay đánh răng, rửa mặt. Tuy nhiên khi đến khám, bác sĩ nhận định đây chính là nguyên nhân khiến bệnh lâu khỏi. Các nốt phỏng để lâu không vệ sinh sẽ có nguy cơ bị bội nhiễm, gây nhiễm khuẩn toàn thân, nhất là trong môi trường nồm ẩm như hiện nay. Sau khi thăm khám, bác sĩ hướng dẫn cha mẹ vệ sinh đúng cách cho con và dùng thuốc điều trị.
Bác sĩ Lê Thị Thu Phương, khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, cho biết đây là hai trong số nhiều trẻ đến khám và điều trị tại viện trong hai tuần gần đây. Lượng bệnh nhi tăng gấp 3 lần so với trước Tết, ban ngày khoa tiếp nhận 40-50 trẻ, còn ban đêm là 20, chủ yếu mặt bệnh hô hấp.
Tương tự, hiện khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 4.000-4.500 trẻ khám một ngày, tăng so với trước Tết. Ngoài bệnh mạn tính, cấp tính, bệnh nhi khám và điều trị ba bệnh chính, đặc trưng theo mùa là hô hấp, tiêu hóa và da.
Tại khoa Nhi một số bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội như Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đức Giang…, số trẻ nhập viện có tăng hơn so với trước Tết nhưng chưa đột biến. Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn), cho biết trẻ đến khám bắt đầu có xu hướng tăng, đa số bị viêm phế quản, tiểu phế quản và một số bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu.
Các bác sĩ cho biết thời tiết nồm ẩm là yếu tố thuận lợi cho các bệnh hô hấp, tiêu hóa, truyền nhiễm bùng phát. Theo đó, độ ẩm không khí cao gây tụ hơi nước, đặc biệt trên sàn, kính, quần áo, đồ dùng, là môi trường thuận lợi cho nấm mốc và các loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh. Ngoài ra, việc thời tiết liên tục thay đổi, sáng mưa phùn, rét, trưa hửng nắng, tối lạnh khiến trẻ em, người già, người miễn dịch yếu dễ bị nhiễm bệnh.
Đại diện các bệnh viện dự báo thời gian tới, số trẻ khám và điều trị sẽ tiếp tục tăng, do hình thái khí hậu nồm, ẩm sẽ kéo dài sang tháng 3.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên sử dụng mấy hút ẩm hoặc bật điều hòa chế độ khô, duy trì độ ẩm ở mức 40-60%. Thường xuyên lau khô sàn nhà, cửa kính, vật dụng, tránh đồ đạc bị ẩm mốc, tạo điều kiện virus, vi khuẩn phát triển.
Bố mẹ cần chú ý giữ ấm tay, chân, cổ cho trẻ, tránh để những bộ phận này nhiễm lạnh; mang theo các vật dụng che mưa như ô, áo mưa, cố gắng không để bị ướt. Nếu để ướt, cơ thể sẽ bị lạnh, dễ mắc bệnh hô hấp. Ngoài ra, thời tiết nóng lạnh thất thường khiến trẻ dễ ra mồ hôi, cần chú ý vệ sinh để trẻ không bị ngấm mồ hôi ngược, dễ viêm phổi.
Trẻ cần được đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nâng cao đề kháng, tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nếu bố mẹ phát hiện những dấu hiệu bất thường của con, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý kê đơn, chữa bệnh, sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Thúy Quỳnh