Mang vẻ đẹp của sự kiêu sa, quý phái, cây trà mi từ lâu đã là loại cây được giới chơi cây săn lùng. Chúng ta cùng khám phá những nét đặc biệt của cây trà mi bạn nhé!
Vua chơi lan, quan chơi trà” – Hoa trà mi từ lâu đã là loài hoa biểu trưng cho sự cao quý, viên mãn, là một trong những loại hoa được những người chơi cây cảnh thích thú và săn lùng. Ấy mà cách trồng và chăm sóc hoa trà mi lại không quá khó, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng trồng được cây trà mi tại nhà.
Nội dung chính
Đặc điểm cây trà mi
Cây trà mi hay còn gọi là trà hoa, trà hồng, trà bạch, tên khoa học camellia japoniaca L, thuộc họ chè Theaceae.
Cây trà mi có nguồn gốc ở khu vực miền đông và miền nam châu Á, từ dãy Himalaya về phía đông tới Nhật Bản và Indonesia.
Cây trà mi có dáng bụi, cành nhánh xum xuê, thân gỗ, lá xanh đậm, bóng, có răng cưa.
Hoa trà mi to, lâu tàn, nếu chăm sóc tốt hoa có thể to bằng cái chén. Hoa mọc đơn, khoảng 2-3 bông ở đầu cành, có nhiều màu: trắng, vàng, hồng, đỏ… Hoa nở từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Ý nghĩa hoa trà mi
Hoa trà mi biểu trưng cho sự ái mộ, sự hoàn hảo và sức sống mãnh liệt. Trang trí hoa trà mi vào dịp Tết có nghĩa là viên mãn, phú quý, tài lộc đến ngập nhà. Ngoài ra, mỗi màu sắc của hoa trà mi cũng mang cho một loại ý nghĩa khác nhau.
Hoa trà mi trắng: Chính là vẻ đẹp hoàn mỹ, trọn vẹn, trinh nguyên.
Hoa trà mi vàng: Bày tỏ sự khát khao cháy bỏng.
Hoa trà mi hồng: Thể hiện lòng ngưỡng mộ.
Hoa trà mi đỏ: Tượng trưng cho tình yêu nồng nàn.
Hoa trà mi cánh kép: Thể hiện lòng biết ơn và sự may mắn.
Các giống cây trà mi
Cây trà mi rất đa dạng về giống loài, tuy nhiên ở Việt Nam 4 loại sau là phổ biến hơn cả:
Bạch trà (trà mi màu trắng): Hoa có màu trắng ngần tinh khiết. Lá dày, tròn.
Hồng trà (trà mi màu hồng phấn): Hoa có màu hồng phấn pha lẫn sắc trắng. Hoa e ấp, nhẹ nhàng, thanh khiết như đôi má hồng của thiếu nữ đôi mươi.
Trà thâm (trà mi màu hồng đậm): Hoa cánh kép, khi nở to bằng cái chén, cánh cong vênh, màu hồng đậm, đan xếp vào nhau thành 8 lớp tròn trịa.
Trà lựu (trà mi màu đỏ): Hoa màu đỏ rực, cánh xoăn, nở trong thời gian dài, đặc biệt quý hiếm.
Kỹ thuật trồng hoa trà mi
Vị trí: Cây trà mi có thể trồng nơi bóng râm nên rất phù hợp trồng trong nhà. Tuy nhiên vì lá cây có màu xanh đậm nên bạn hãy đặt nó ở nơi rộng rãi, thoáng mát để cây khoe sắc.
Loại đất: Trà my nhiều lông hút mềm mảnh như sợi chỉ nên rất mềm yếu, chỉ phát triển được theo các khe hở của đất mùn tơi xốp. Do đó bạn nên chọn loại đất thịt pha tơi xốp và có độ chua, nhiều mùn, cây không ưa đất giàu canxi.
Nhiệt độ: Cây trà mi chịu rét tốt, chịu nóng kém, nhiệt độ trên 25 độ C khiến cây khó thích nghi. Nhiệt độ tốt nhất để cây nở hoa là 10 độ C.
Tưới tiêu: Cây trà mi ưa ẩm nhưng không chịu được úng, do đó cần thường xuyên tưới nước, tránh khô hạn, đồng thời cũng phải đảm bảo thoát nước tốt.
Nước tưới cây phải là nước sạch, không chứa clo và các hóa chất khác. Tốt nhất thêm vào nước 0,2% sunfat sắt để tăng độ chua cho nước, tăng tốc độ sinh trưởng của cây.
Nếu tưới nước máy thì phải để nước ra chậu hai đến ba ngày cho clo bay hết rồi mới tưới để cây không bị ngộ độc.
Chăm sóc: Thường xuyên dùng bình xịt rửa các mặt lá hoa trà mi để tăng cường quang hợp. Ngắt bỏ lá sâu, bẩn nếu có.
Bạn có thể chọn mua hạt giống hoặc mua cây về trồng tùy ý thích và kinh tế. Với vẻ đẹp kiêu sa, mỹ miều cùng sự đa dạng về hương sắc, hoa trà mi là một loại cây đáng để bạn bỏ thời gian, công sức ra chăm sóc đấy. Chúc bạn thành công và có một chậu hoa trà mi rực rỡ nhé!