Trò chơi là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giáo dục trẻ mầm non. Tổng hợp 11 trò chơi học tập cho trẻ mầm non hay và thú vị dưới đây sẽ giúp bạn có hướng phát triển tư duy cũng như khả năng của các con một cách tốt nhất. Hãy bỏ qua việc cho các con chơi điện thoại, iPad đi, dưới đây mới là những trò chơi có thể giúp các con phát triển tốt nhất.
Nội dung chính
Trò chơi ghi nhớ bước chân
Đây là trò chơi giúp các con có thể ôn lại những kiến thức về các loại hình cơ bản trong toán cho trẻ mầm non.
Mục đích: Giúp các con có thể nhớ được tên các loại hình cơ bản trong toán học. Trò chơi này cũng rèn cho các con khả năng quan sát và phản xạ nhanh.
Chuẩn bị: Các cô vẽ các dạng hình như hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật.
Luật chơi: Các cô phát hiệu lệnh và yêu cầu các con phải đi vào đúng ô hình theo yêu cầu. Ai đi sai sẽ phải quay trở lại và nhường lượt chơi cho đội bạn. Lần lượt như vậy cho tới khi đội nào hết người trước sẽ là đội chiến thắng.
Cách chơi: Chia trẻ ra thành từng nhóm tùy theo quy mô, số lượng mỗi lớp học. Các con cử đại diện để oẳn tù tì hoặc bốc thăm để chọn lượt chơi. Khi cô nói tới tên một hình bất kỳ thì con phải đi vào đúng hình đó. Nếu con chọn sai thì phải nhường lượt chơi cho đội khác. Kết thúc trò chơi, đội nào hết người trước sẽ là đội chiến thắng.
Trò chơi đoán xem cây gì
Mục đích: Trò chơi đoán xem cây gì giúp trẻ mầm non củng cố kiến thức nhận biết các loại cây được trồng ở sân trường. Qua đó rèn luyện kĩ năng chạy và phản xạ nhanh cho trẻ.
Chuẩn bị: Các cây trong sân vườn của trường và vào giờ sinh hoạt ngoài trời
Luật chơi: Cô sẽ hỏi các con về đặc điểm của loại cây và ai tìm được đúng sẽ là người thắng, ai chạy nhầm sẽ bị phạt nhảy lò cò.
Cách chơi: Cô giáo sẽ quan sát nhanh những đặc điểm cơ bản của các loại cây trong sân trường. Sau đó cô nói với các con: Hôm nay chúng mình sẽ chơi trò “đoán xem cây gì”, cô sẽ miêu tả một số đặc điểm của cây đó và nhiệm vụ của các con sẽ phải đoán xem đó là cây gì. Khi cô hô ” Một hai ba tìm cây tìm cây” trẻ phải chạy thật nhanh tới loài cây được cô miêu tả. Bạn nào chạy nhầm sẽ bị phạt nhảy lò cò 1 vòng.
Trò chơi hãy làm lại như cũ
Mục đích: Rèn luyện khả năng ghi nhớ của trẻ, tính tỉ mỉ, cẩn thận cho các con.
Chuẩn bị: Một số loại hoa trong nhà như hoa cúc, hoa hồng, hoa mai, hoa vạn thọ và một mô hình có ngôi nhà.
Cách chơi: Các cô cho các con quan sát mô hình vừa chuẩn bị và nói tên các loài hoa có trong mô hình. Sau đó yêu cầu các con đặt các loại hoa ở vị trí trước sau, phải trái của ngôi nhà. Sau đó cô sẽ thay đổi vị trí của chậu hoa và các con phải nhắm mắt lại. Sau khi các con mở mắt phải nói được cô đã thay đổi những thứ gì và trẻ phải xếp lại như cũ.
Trò chơi oẳn tù tì
Mục đích: Kích thích trẻ đếm trên bàn tay, rèn luyện khả năng tư duy, phản xạ.
Những vật dụng được thể hiện qua bàn tay
Nắm các ngón tay lại: búa
Nắm 3 ngón tay lại gồm ngón cái, ngón út và ngón áp út, xòe 2 ngón tay còn lại: kéo
Xóe cả 5 ngón tay ra được gọi là bao.
Luật chơi: Búa sẽ thắng kéo, kéo thắng bao, bao thắng búa.
Cách chơi: Khi chơi cả 2 bạn cùng hô to: Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này. Khi dứt câu thì cả hai bên phải đưa tay cùng một lúc và không được người ra trước, người ra sau. Áp dụng luật chơi để xác định bên nào thắng.
Trò chơi đóng vai các con vật
Mục đích: Rèn luyện các kỹ năng mềm về đếm các vận động cũng như thính giác cho trẻ. Giúp trẻ nhận biết, phân biệt các con vật quen thuộc thông qua tiếng kêu, động tác.
Chuẩn bị: Nhạc bài hát “cá vàng bơi”.
Cách chơi
Cô bắt nhịp cho các con bài hát “cá vàng bơi”
Các con phải nghe và đoán xem cá có những hoạt động gì
Trong bài hát và đưa ra con cá có những động tác gì.
Sau khi các con trả lời cô cho các con xem tranh và chỉ vào từng động tác của cá. Nếu trẻ không trả lời chính xác thì cô sẽ cho trẻ xem tranh trước, xem tới đâu cô sẽ nói từng động tác tới đó.
Các hoạt động của cá trong bài hát bao gồm: bơi, ngoi, lặn, múa. Cô vừa nói vừa giơ tay đếm, tổng cộng là 4 động tác.
Bây giờ các con nghe cô hát, cô nhắc tới động tác nào thì cả lớp sẽ cùng làm theo động tác đó.
Trò chơi thi ai đếm đúng
Mục đích: Rèn luyện kỹ năng nhận biết, tưởng tượng tư duy cho trẻ mầm non.
Chuẩn bị: Khoảng 5 – 7 dây có thắt nút đủ tốt để có thể sờ và nhận ra được số lượng dây.
Luật chơi: Các con khi chơi không được nhìn mà chỉ dùng tay sờ.
Cách chơi: Cô chia lớp theo từng nhóm, sau đó bịt mắt các con, quản tró phát cho mỗi con 1 dây có thắt nhiều nút đã chuẩn bị sẵn. Trẻ sẽ dùng tay để sờ và đếm xem có bao nhiêu nút thắt trên dây. Khi có hiệu lệnh của quản trò các con sẽ bắt đầu đếm xem ai đếm nhanh hơn.
Trò chơi đếm các bộ phận cơ thể
Mục đích: Trò chơi giúp trẻ mầm non làm quen dần với các phép đếm từ 1,2 hoặc nhiều hơn.
Cách chơi: Cô sẽ hướng dẫn các con lần lượt đếm số lượng bộ phận trên cơ thể. Cô sẽ gợi ý với các câu hỏi như: Có mấy mắt, rồi cùng trẻ đếm “một, hai” và nói “có hai mắt”. Cứ như vậy cô đặt câu hỏi tương tự với các bộ phận khác. Lúc đầu cô sẽ đếm cùng trẻ sau vài lần hãy để trẻ tự đếm.
Trò chơi người mua sắm giỏi
Mục đích: Thông qua trò chơi các cô có thể giúp trẻ nhận biết được những chất liệu, sản phẩm gia dụng khác nhau.
Chuẩn bị: Chén, bát, nồi, ấm, chảo
Luật chơi: Cô sẽ lần lượt cho hai vật chạm nhẹ vào nhau sao cho phát ra âm thanh. Các con sẽ dựa vào đó để lựa chọn đồ dùng có chất liệu tương tự nhau. Sau mỗi lần đi chợ để chọn đồ dùng, cô sẽ dặn trẻ đây là đồ dùng được làm bằng sức, thủy tinh nên phải hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận.
Cách chơi
Bắt đầu trò chơi
Cô sẽ nói: “Đi chợ đi chợ”
Các con: “Mua gì, mua gì?”
Cô quản trò nói tiếp: Đồ dùng để đựng thức ăn bát, đĩa, chén bằng sứ. Vừa nói cô quản trò sẽ làm cho các đồ bằng sư va chạm vào nhau để tạo ra âm thanh.
Tiếp tục vòng 2
Cô: “Đi chợ, đi chợ”
Trò: “Mua gì, mua gì”
Cô nói: Đồ làm bằng thủy tinh và cũng làm động tác cho các cốc, ly thủy tinh va chạm vào nhau.
Tương tự như vậy với vòng 3 là đồ dùng để nấu bằng nhôm.
Trò chơi Nhìn hành động đoán tên con vật
Mục đích: Giúp trẻ mầm non củng cố được hình ảnh những con vật quen thuộc. Phát triển tư duy cũng như ngôn ngữ miêu tả, tưởng tượng của trẻ.
Chuẩn bị
Không gian rộng rãi, thoáng mát
Những bông hoa nhỏ bằng giấy hoặc bằng nhựa với nhiều màu sắc khác nhau để tính điểm cho đội chiến thắng khi đoán đúng tên con vật.
Cách chơi
Trò chơi này có thể tiến hành chia từng nhóm hoặc theo hình thức nối vòng. Cứ một trẻ miêu tả đặc điểm của con vật, bé còn lại sẽ đoán tên con vật.
Nếu lớp có nhiều trẻ thì cô giáo nên trẻ thành 2 đội. Một đội chuyên miêu tả hình ảnh, đặc điểm của con vật; đội còn lại sẽ đoán tên con vật vừa mô tả. Đội sau không được mô phỏng lại tên con vật mà đội trước đã dùng.
Hai đội sẽ phải tiến hành bốc thăm xem đội nào sẽ làm động tác mô phỏng trước. Các đội sẽ phải thảo luận để đưa ra những hình động miêu tả con vật, đội còn lại cũng cần thảo luận với nhau để đoán chính xác nhất.
Trò chơi con này ăn gì
Mục đích: Giúp trẻ biết được mỗi con vật sẽ ăn loại thức ăn gì
Chuẩn bị: Các bức tranh có hình con vật quen thuộc và các loại thức ăn của chúng như: cỏ, lúa, gạo, sữa,…
Cách chơi
Cô sẽ phát cho các con một tờ giấy, trong tờ giấy đã có sẵn hình vẽ con vật và thức ăn của chúng. Cô sẽ yêu cầu các con nối hình con vật với thức ăn tương ứng của chúng. Ai tìm đúng xong trước sẽ là người chiến thắng.
Trò chơi người làm vườn
Mục đích: Giúp trẻ có thể củng cố được khả năng nhận biết, phân loại cây hoặc rau, phát triển khả năng phân tích kí hiệu tượng trưng.
Chuẩn bị
Những miếng dán tròn có các màu xanh, đỏ và vàng
Mô hình hoặc tranh ảnh về các loài cây quen thuộc trong vườn
Cách chơi
Quản trò sẽ nói: Bây giờ cả lớp mình sẽ là những bác làm vườn trồng cây vào vườn có hàng rào màu xanh, đỏ, vàng. Vườn màu xanh chúng ta sẽ trồng các loại cây bóng mát, vườn màu đỏ thì trông cây cảnh để trang trí và vườn màu vàng sẽ để trồng cây ăn quả hoặc các loại rau. Nhóm được cô đeo phù hiệu đỏ sẽ trồng cây cảnh, bạn nào đeo phù hiệu xanh sẽ trồng cây bóng mát, bạn nào đeo phù hiệu màu vàng sẽ trồng cây ăn quả”.
Sau cùng, cho trẻ chơi trên nền nhạc vui nhộn khoảng 2 – 3 phút. Nhóm nhặt đúng nhiều nhất sẽ là nhóm chiến thắng.