Luôn giữ một thái độ sống tích cực và hết lòng yêu trẻ, yêu nghề, cô giáo Đàm Thị Hiên (Trường Mầm non Liên Cơ, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) không chỉ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà còn toát lên năng lượng tràn đầy với vẻ ngoài trẻ trung hơn tuổi khá nhiều.
Cô Đàm Thị Hiên cũng là giáo viên duy nhất đại diện tỉnh Vĩnh Phúc được vinh danh tại Lễ tuyên dương các tấm gương tiêu biểu người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017 do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm qua (18/10).
Từng định bỏ nghề vì bị ám ảnh tiếng khóc trẻ con
Nói về lý do “bén duyên” với nghề, cô giáo sinh năm 1987 tâm sự, vì rất yêu trẻ con, sự vô tư hồn nhiên trong sáng nên dù từng nghe nhiều người nói nghề vất vả nhưng bản thân không quản ngại. “Nghề vất vả thì có lẽ không nhiều người muốn gắn bó, nhưng mình muốn thử sức mình xem bản thân có chịu được sự vất vả đó không”, cô giáo chia sẻ.
Đến nay, đã có 8 năm công tác với đủ vui – buồn và cô giáo trẻ chưa một lần hối tiếc vì quyết định theo nghề. Nhắc lại quãng thời gian vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm tỉnh Vĩnh Phúc năm 2009 rồi vào công tác luôn, cô giáo Đàm Thị Hiên kể về một kỷ niệm mà theo cô “phải nhớ đến già”.
“Ngày đầu tiên đi dạy mình phải đón 35 cháu mới hoàn toàn – chưa đi học bao giờ. Lần đầu tiên bước chân vào lớp học, các cháu khóc rất nhiều, phải đến hơn chục cháu cứ bám rít theo cô, cô đi đâu trò theo đấy. Đến giờ ngủ, cô giáo không ngủ được mà vừa bế vừa ôm 5-6 cháu để trông các cháu ngủ, cô Hiên nhớ lại.
Cô Hiên thú thực, giai đoạn này bản thân bị “ám ảnh” bởi tiếng khóc của trẻ, trong đầu lúc nào cũng có tiếng trẻ khóc: “Rất nản chí vì chưa bao giờ phải chứng kiến nhiều trẻ con khóc như vậy. Thậm chí, đi trên đường mình cũng nghe tiếng trẻ khóc, cứ tưởng bên cạnh có cháu khóc nhưng thực tế không phải mà do tiếng khóc các trẻ đã hằn sâu vào đầu đến mức ám ảnh”.
Về nhà, nữ giáo viên nói với mẹ “Con không theo nghề mầm non nữa đâu, con đi học nghề khác”. Nghe con gái tâm sự, bà mẹ động viên “Nghề nào cũng có những vất vả khó khăn riêng. Khi vượt qua nó thì con sẽ biết cách biến khó khăn thành thuận lợi”.
Nghe lời mẹ, cố gắng và dồn tâm huyết vào trẻ, cô Hiên nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu và quyết tâm gắn bó với nghề.
Cô giáo trẻ nở nụ cười rạng rỡ, nói: “Các cháu mặc dù khóc nhưng khi các cháu quen thì rất vui tươi hồn nhiên, dạy các cháu lúc nào mình cũng thấy tâm hồn được trẻ”.
Cô Đàm Thị Hiên là giáo viên duy nhất đại diện tỉnh Vĩnh Phúc được vinh danh tại Lễ tuyên dương các tấm gương tiêu biểu người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017.
Giáo dục trẻ mầm non, lấy yêu thương làm đầu
Theo cô Đàm Thị Hiên, trong công tác cô có thuận lợi là cơ sở vật chất của trường rất tốt, trang thiết bị phục vụ dạy và chăm sóc trẻ được đầu tư, đội ngũ giáo viên đa số nhiệt huyết gắn bó với nghề, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn.
Nói về khó khăn lớn nhất thì không thể không nhắc đến tình trạng thiếu giáo viên, các cháu rất nhỏ nên cô giáo phải phục vụ từ A – Z như một người mẹ. Quan điểm giáo dục của nữ giáo viên xuất sắc gói gọn trong hai chữ “yêu thương”.
“Trong những năm tháng đầu đời, lúc nào mình cũng giáo dục trẻ bằng tình yêu thương, coi các cháu như các con đẻ, hướng dẫn các con làm những việc nhỏ nhất để phát triển năng lực, sự tự tin”.
Tuy nhiên, cô giáo này cho rằng, khó khăn hơn cả là phụ huynh chưa đề cao ngành Sư phạm Mầm non, chưa ủng hộ nhiệt tình các cô, nghĩ các cô chưa yêu thương con mình như là phụ huynh mong đợi.
“Không ít phụ huynh vẫn coi chúng mình là những người trông nom trẻ đơn thuần nhưng thực sự chúng mình phải dạy các con rất nhiều. Dạy các cháu kỹ năng cơ bản nhất để các cháu có thể tự phục vụ bản thân trong một môi trường lạ. Những điều mặc dù rất đơn giản nhưng với các cháu mầm non phải dạy đi dạy đại bởi lẽ trẻ chóng nhớ mau quên”, cô giáo 8X chia sẻ.
Đề cập tới thực trạng nhiều vụ việc liên quan đến trẻ mầm non được phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội gây nhiều bình luận trái chiều, cô Đàm Thị Hiên thừa nhận, thời nay giáo viên mầm non dễ gặp “rắc rối”, khi con trẻ không may bị trầy xước nhẹ phụ huynh có thể đã tung lên mạng gây những “cơn bão” không đáng có.
“Đối với ngành mầm non, phụ huynh có ít con và họ quý con mình hơn vàng. Đó là tâm lý chung của mỗi phụ huynh vì bản thân mình cũng đã có 2 con. Còn việc không may làm xây xớt cháu do không để ý hết cháu thì chúng mình phải trao đổi với phụ huynh. Qua đó, phụ huynh hiểu vì sao cháu bị như vậy, trong đó cũng có lỗi của giáo viên, chúng mình sẵn sàng nhận lỗi với phụ huynh”, cô Hiên quan điểm.
Cũng theo cô giáo trẻ, bản thân cô luôn giữ tâm thế tích cực, lạc quan với nghề. Nếu lung lay bởi dư luận từ đó chán nghề hay có tư tưởng tiêu cực thì không thể hoàn thành tốt công việc được.
Năng động, sáng tạo, lạc quan để tròn “việc nước, việc nhà”
Đặc thù công việc, ngoài giờ làm trên lớp, nhiều ngày cô Hiên về nhà vẫn phải trực điện thoại đến 10h tối mới dám yên tâm tắt máy, vì có thể trên lớp trẻ không có biểu hiện gì nhưng về nhà phụ huynh lại phát hiện. Đó là những tình huống, áp lực đặc thù của nghề Sư phạm Mầm non. Cô Hiên luôn hết mình với công việc nhưng cũng chu toàn việc gia đình.
Nữ giáo viên quan điểm: “Phụ nữ Việt Nam hiện đại cần phải năng động, sáng tạo nhiệt tình, đảm việc nước giỏi việc nhà, luôn suy nghĩ tích cực. Bao giờ mình cũng để tư tưởng của mình thoải mái, nhẹ nhàng, bình tĩnh xử lý”.
Với tư tưởng đó, trong công tác dạy học, cô giáo Đàm Thị Hiên luôn đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong việc giúp trẻ phát huy năng lực cảm thụ âm nhạc ở độ tuổi mầm non; luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để trẻ được trải nghiệm nhiều hơn.
Cô giáo Đàm Thị Hiên từng đạt giải Nhì hội thi Giáo viên dạy giỏi huyện, giải Nhất hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vinh danh. Hình ảnh nữ giáo viên xinh đẹp, tận tâm với nghề, năng động sáng tạo trong công tác và nỗ lực vun đắp cuộc sống hạnh phúc làm tô đẹp thêm hình ảnh của thế hệ phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Lệ Thu