Trẻ em ăn chay có mô hình tăng trưởng, biện pháp dinh dưỡng tương tự như trẻ ăn thịt nhưng có nhiều khả năng nhẹ cân hơn.
Theo Healthline, các nhà khoa học ở Toronto (Canada) đã thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa chế độ ăn chay, cân nặng, chiều cao, các biện pháp dinh dưỡng bao gồm mức cholesterol với gần 9.000 trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, từ năm 2008-2019. Nghiên cứu vừa được công bố vào tháng 5/2022 trên tạp chí Nhi khoa của Học viện Nhi khoa Mỹ, cho thấy trẻ ăn chay có tỷ lệ nhẹ cân cao hơn nhóm trẻ khác. Tuy nhiên, không có mối liên quan giữa ăn chay với với thừa cân hoặc béo phì.
Cụ thể, trẻ ăn chay có khả năng thiếu cân cao hơn 94% khi tính chỉ số BMI. Với nhóm trẻ không ăn chay còn lại, có khoảng 78% có cân nặng khỏe mạnh, chỉ có khoảng 3% thiếu cân.
Ngoài ra, trẻ em ăn chay có các mô hình tăng trưởng, biện pháp dinh dưỡng tương tự với trẻ ăn đa dạng thực phẩm.
Nếu phụ huynh không có áp lực về cân nặng hoặc sợ trẻ thừa cân có thể cho con ăn chay. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, khi cha mẹ muốn con ăn chay thì cần phải có kế hoạch đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và chế độ chăm sóc đặc biệt cho bé. Bữa ăn cần đa dạng các loại thực phẩm như trái cây, các loại hạt, đậu, nấm… Bên cạnh đó, cha mẹ nên mua, chế biến thực phẩm tươi để duy trì hàm lượng chất dinh dưỡng. Trong các bữa ăn, nên hạn chế cho trẻ ăn rau luộc thường xuyên, cần thay đổi cách chế biến như xào, nướng hoặc hấp nhẹ. Gia đình cũng có thể thêm dầu oliu vào rau để giúp trẻ tăng cường hấp thụ vitamin trong chất béo (A, D, E, K).
Nếu cân bằng được hợp lý các chất dinh dưỡng và vi chất, trẻ em ăn chay có thể không đối diện nguy cơ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Hiện có nhiều chế độ ăn chay khác nhau. Có người ăn chay chỉ thuần sản phẩm từ thực vật, có người ăn chay vẫn dùng trứng và các sản phẩm từ sữa. Vì vậy, một người ăn chay có thể chọn lựa thực phẩm đa dạng để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Anh Chi (Theo Healthline, DailyMai)