GIÁO ÁN: MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH
CHỦ ĐỀ: CÔN TRÙNG
ĐỀ TÀI: VÒNG ĐỜI PHÁT TRIỂN CỦA BƯỚM
LỚP: CHỒI
SỐ CHÁU: 15 – 20 CHÁU
Nội dung chính
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
1. Kiến thức:
– Hệ thống các kiến thức giúp trẻ tìm hiểu khái niệm côn trùng: có 6 chân; cách di chuyển; có cấu tạo mình giống nhau; có 2 sợi râu,…
– Biết được vòng đời phát triển của bướm: từ trứng nở thành sâu, sâu thành kén nhộng, nhộng thành bướm con.
– Mở rộng hiển biết của trẻ về một số con côn trùng khác có vòng đời như bướm
2. Phát triển:
– Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ trong việc sử dụng từ ngữ để diễn đạt sự hiểu biết của mình về côn trùng.
– Sử dụng các từ: sâu bướm; kén; nhộng;…
3. Giáo dục:
Giúp trẻ có thái độ đúng đối với côn trùng và cảnh vật xung quanh.
II. CHUẨN BỊ:
1. Ngoài giờ học:
– Cho trẻ xem tranh, album về các loại côn trùng.
– Xem phim về sự ra đời và sinh sống của côn trùng.
2. Trong giờ học:
– Bướm thật 2 đến 3 con.
– Tranh về vòng đời phát triển của bướm.
– Tranh chụp các loại bướm.
– Giấy vẽ, bút lông; thẻ chữ số.
– Tranh cắt rời côn trùng; phong nền trẻ dán.
III. HOẠT ĐỘNG TÍCH HỢP:
TẠO HÌNH: cắt, dán côn trùng tạo thành tranh.
ÂM NHẠC: các bài hát về côn trùng, bài hát thư giãn.
IV. TIẾN HÀNH:
1. HOẠT ĐỘNG 1:
– Trò chơi vận động và hát
– Cho trẻ xem tranh về côn trùng
– Cho trẻ vẽ 5 phút những con côn trùng gây ấn tượng cho trẻ
– Trò chuyện với trẻ về 1 số loại côn trùng mà trẻ đã vẽ hoặc trẻ đã biết về chúng.
– Những con vật mà con vừa kể các con có biết người ta gọi chúng một cái tên chung là gì không?
– Vì sao người ta gọi chúng là côn trùng?
Khái quát: chúng được gọi là côn trùng vì chúng đều có 6 chân; cơ thể chúng có 3 phần: đầu; ngực (ngực gắn với chân) và bụng.
– Trò chơi: “Ong bay, Bướm bay”: cô đọc tên con côn trùng nào bay được thì các con vẫy tay bay lên; con nào không bay được thì các con nói không bay và đứng yên.
2. HOẠT ĐỘNG 2:
– Giới thiệu cho trẻ về con bướm và vòng đời phát triển của bướm
– Chúng ta vừa trò chuyện về côn trùng , các con biết chúng đã ra đời và lớn lên như thế nào không?
– Trẻ đoán xem trong hộp cô đựng con vật gì?
– Cho trẻ quan sát con bướm
– Con biết gì về con bướm?
– Có bạn nào thấy hoặc nghe ai kể con bướm ra đời như thế nào không?
– Con sâu nở từ trứng bướm ăn gì để lớn lên?
– Khi thành kén nhộng thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đó?
– Cho trẻ xem tranh vòng đời phát triển của bướm và giải thích ngắn gọn hình ảnh trong tranh. Có thể cho trẻ chuyền tay nhau xem tranh
Khái quát: bướm mẹ đẻ trứng trên lá cây, trứng sẽ lớn lên và nở thành sâu con; khi sâu già sẽ nằm trong tổ kén nhộng; khi tổ kén khô và nứt vỏ thì một chú bướm con chui ra và hoá thành con bướm với đầy đủ chân và cánh
– Vậy để trở thành con bướm xinh đẹp thì bướm phải trải qua mấy giai đoạn?
– Con có biết con côn trùng nào cũng có vòng đời giống như bướm không?
– Cho trẻ xem tranh về các loại bướm khác nhau
Luyện tập:
– Cho 2 nhóm trẻ mỗi nhóm có số lượng từ 2 đến 3 trẻ xếp thẻ tranh về vòng đời phát triển của bướm
– Thư giãn với bài múa: “ONG và BƯỚM”
3. HOẠT ĐỘNG 3:
– Hoạt động phối hợp và hoạt động nhóm
Chia trẻ làm 3 nhóm với các yêu cầu khác nhau:
– Nhóm 1: tìm cắt dán các con vật thuộc côn trùng vào trong một bức tranh
– Nhóm 2: vẽ thêm phần còn thiếu (chân, râu, cánh) của côn trùng
– Nhóm 3: dán tranh con côn trùng theo môi trường sống, hoặc nơi di chuyển của chúng