Cho bé tham gia những trò chơi liên quan đến trí nhớ như xếp hình, gọi tên đồ vật… Trước khi tiếp xúc với đồ chơi, người lớn đưa ra những câu đố, câu hỏi liên quan đến đồ vật để rèn luyện khả năng nhớ của trẻ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM khái quát một số đặc điểm trí nhớ của trẻ từ 1 đến 3 tuổi như sau:
– Trong năm đầu, trí nhớ của trẻ chưa tách khỏi tri giác trực tiếp, chẳng hạn khi người quen đến gần, trẻ sẽ có phản ứng reo mừng hoặc không thích mùi người lạ…
– Đến cuối năm đầu đời, trẻ có khả năng nhận ra đồ chơi mà mình đã chơi nhiều lần, giai điệu đã nghe nhiều lần.
– Trẻ hai tuổi bắt đầu nhớ được nhiều từ và câu, mặc dù vẫn chưa hiểu được ý nghĩa. Bé có thể nhớ được các bài thơ, câu văn, các phần âm thanh và nhịp điệu của từ…
Ở giai đoạn này, trí nhớ của trẻ đã dần dần thoát khỏi chỗ dựa vào tri giác, từ đó hình thành sự nhớ lại. Ví dụ thấy mẹ mặc đồ đẹp, bé sẽ hiểu là mẹ sắp đi khỏi nhà. Vì thế mỗi lần mẹ mặc đồ đẹp, trẻ sẽ khóc hoặc nhõng nhẽo đòi đi theo.
Thông thường trí nhớ của trẻ xuất phát từ sự hứng thú, chỉ nhớ lại những gì mình thích. Thời gian đầu, trẻ nhớ lại một cách không chủ định, đòi hỏi người lớn phải gợi ý, đặt câu hỏi; về sau các bé mới nhớ lại có chủ định. Từ hai tuổi, trẻ có khả năng ghi nhớ và nhớ lại theo lời chỉ dẫn của người lớn. Bước tiến này là thành tựu quan trọng trong sự phát triển trí nhớ của trẻ, là mầm mống của trí nhớ có chủ định.
Để giúp trẻ phát triển trí nhớ, trong quá trình nuôi dạy, người lớn cần lưu ý:
– Cho trẻ tiếp xúc nhiều lần với đồ vật để rèn luyện trí nhớ.
– Trước khi tiếp xúc với đồ chơi, nên đưa ra những câu đố, câu hỏi liên quan đến đồ vật để rèn luyện khả năng nhớ của trẻ.
Nguồn: VnExpress