Câu 03. Hội chứng Asperger là gì?
Chú thích của người dịch: theo bản DSM-V mới nhất ra vào năm 2013, phân nhánh Asperger đã không còn tồn tại.
Hội chứng Asperger (hay chứng rối loạn tự kỉ) là chứng rối loạn thần kinh mà có thể là một dạng rối loạn phổ tự kỷ. Trẻ em mắc hội chứng Asperger có những biểu hiện đặc trưng có thể gây ra những khiếm khuyết từ nhẹ đến nghiêm trọng. Hội chứng Asperger đôi khi được coi là tự kỷ chức năng cao và được đặt theo tên của một bác sỹ người Áo Hans Asperger. Bác sỹ Asperger đã xuất bản một bài nghiên cứu vào năm 1944 trong đó mô tả những dạng hành vi của một số bé trai có trí tuệ và khả năng ngôn ngữ bình thường nhưng lại biểu hiện những hành vi giống như tự kỷ và những khiếm khuyết đáng chú ý trong kĩ năng giao tiếp và xã hội. Mặc dù bài nghiên cứu của ông được xuất bản từ những năm 1940, mãi đến năm 1994 hội chứng Asperger mới được bổ sung vào ấn bản thứ tư của quyển Cẩm nang chẩn đoán và thống kê (DSM – IV) và chỉ mấy năm gần đây AS mới được các nhà chuyên môn và các bậc phụ huynh biết đến.
Thiếu hụt khả năng giao tiếp xã hội là đặc điểm nổi bật nhất của hội chứng Asperger, mặc dù những thiếu hụt này có thể khác nhau về mức độ. Ngay cả khi những đứa trẻ mắc chứng rối loạn này không có dấu hiệu gì của chứng rối loạn ngôn ngữ nguyên phát, khả năng giao tiếp bên ngoài của chúng vẫn rất kém. Trẻ em mắc hội chứng Asperger có vấn đề với việc phản ứng thực tế cũng như khó khăn trong việc hiểu và biểu lộ phần cảm xúc của thông tin.
Vốn từ vựng của trẻ bị hội chứng Asperger có thể phong phú và đa dạng đến kinh ngạc, nhưng mặt khác, những đứa trẻ này có thể cực kì thiếu trí tưởng tượng và gặp khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống xã hội.
DSM-IV cung cấp những tiêu chí chẩn đoán cho hội chứng Asperger như sau :
Khiếm khuyết về chất lượng quan hệ xã hội, thể hiện qua ít nhất hai dấu hiệu sau :
· khiếm khuyết đáng chú ý trong việc sử dụng những hành vi giao tiếp không lời như nhìn thẳng vào mắt người đối diện, biểu hiện khuôn mặt, điệu bộ cơ thể và các cử chỉ phù hợp với giao tiếp xã hội.
· không tạo lập được các mối quan hệ bạn bè tương ứng với mức độ phát triển.
· không có khuynh hướng chia sẻ niềm vui, sở thích hay thành tích với người khác (ví dụ không khoe hay mang những đồ vật yêu thích cho người khác xem).
· thiếu tương tác về tình cảm hay tương tác xã hội
Những mẫu hành vi, sở thích và hoạt động hạn chế lặp đi lặp lại và khuôn mẫu, được thể hiện qua ít nhất một trong những biểu hiện sau :
· Bị chi phối hoàn toàn bởi một hoặc một vài sở thích hạn chế và dập khuôn có tính bất thường về cường độ hay mức độ tập trung.
· tuân thủ một cách cứng nhắc những thói quen hay nghi thức đặc biệt và không thực tế
· Có những cử chỉ, hành động lặp lại và dập khuôn (ví dụ như xoắn vặn các ngón tay, bàn tay hoặc những chuyển động phức tạp của toàn bộ cơ thể)
· Ám ảnh dai dẳng với các bộ phận của các đồ vật
· Sự rối loạn này về phương diện lâm sàng gây ra những khiếm khuyết nghiêm trọng trong đời sống xã hội, công việc hay trong các lĩnh vực hoạt động quan trọng khác.
Ngôn ngữ :
Không có sự chậm trễ đáng chú ý nào trong phát triển ngôn ngữ (ví dụ, các bé 2 tuổi nói những từ một âm tiết, còn những câu nói giao tiếp thì được dùng bởi các bé 3 tuổi)
Phát triển trí tuệ :
Không có sự chậm trễ đáng chú ý nào trong việc phát triển trí tuệ hay trong việc phát triển các kĩ năng độc lập phù hợp với lứa tuổi, các hành vi thích nghi (trừ tương tác xã hội) và sự tò mò về môi trường sống xung quanh khi còn bé ; tức là chúng có khả năng trí óc cao hoặc bình thường.
Không thỏa mãn các tiêu chí chẩn đoán của các căn bệnh khác
Không thỏa mãn các tiêu chí của chứng rối loạn phát triển lan tỏa (pervasive developmental disorder) hay tâm thần phân liệt.
Nhóm dịch CLB RUBIC
Hiệu đính: Mẹ Cong
Nguồn: Sách 100 Câu Hỏi Của Cha Mẹ Nuôi Con Tự Kỷ (100 Questions and Answers About Autism: Expert Advice from a Physician/Parent/Caregiver) – Campion Quinn.