Câu 04. Làm sao để phân biệt tự kỷ với Asperger?
Chú thích của người dịch: theo bản DSM-V mới nhất ra vào năm 2013, phân nhánh Asperger đã không còn tồn tại.
Theo Viện Hàn Lâm tâm thần học trẻ em và trẻ vị thành niên Hoa Kỳ (AACAP), hội chứng Asperger nổi bật ở các vấn đề về hành vi và sự phát triển các kĩ năng xã hội. Vì có những triệu chứng gần giống với tự kỷ, các bác sĩ nhận thấy rằng trẻ có những triệu chứng kể trên cần có được sự đánh giá kĩ lưỡng và cần được áp dụng nhiều liệu pháp khác nhau. AACAP đã chỉ ra những sự giống nhau và khác nhau sau đây giữa tự kỷ và Asperger:
· Hội chứng Asperger dường như khởi phát có muộn hơn tự kỷ một chút hay ít nhất là được phát hiện muộn hơn.
· Trẻ Asperger thường có các chức năng cao hơn trẻ tự kỷ.
· Trẻ Asperger thường có trí tuệ từ bình thường đến trên mức bình thường.
· Mặc dù trẻ Asperger có thể có kiểu nói chuyện bất thường nhưng trẻ thường không chậm phát triển ngôn ngữ.
· Trái ngược với tự kỷ, hội chứng Asperger không có sự chậm trễ lâm sàng về phát triển nhận thức hay phát triển các kĩ năng tự phục vụ đúng tuổi, các hành vi thích ứng hay sự tò mò với môi trường trong thời thơ ấu.
· Trẻ Asperger thường gặp khó khăn trong việc tương tác với trẻ em cùng tuổi. Trẻ thường cô đơn và có những hành vi mà một số người coi là lập dị.
· Nhiều trẻ Asperger có khó khăn về phối hợp cơ bắp và các kĩ năng vận động tinh.
Theo AACAP, giống như tự kỷ, nguyên nhân cụ thể của hội chứng Asperger vẫn chưa được biết, mặc dù hội chứng này có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Điều này có thể gợi cho ta thấy nó có thể liên quan đến gen, mặc dù những nghiên cứu về gen gần đây không tìm ra được “gen Asperger” nào cả. AACAP khẳng định rằng trẻ có hội chứng Asperger có nguy cơ cao hơn với những vấn đề tâm thần như trầm cảm, rối loạn tăng động giảm tập trung (ADHD), tâm thần phân liệt, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) so với trẻ tự kỷ. Khác với trẻ tự kỷ,nhiều trẻ có hội chứng Asperger có thể hoàn thành bậc trung học phổ thông và học đại học và có thể phát triển những mối quan hệ lành mạnh ngoài gia đình.
Theo kinh nghiệm cá nhân, trẻ tự kỷ có các triệu chứng tương đối nhẹ và có chỉ số IQ cao thường được nhiều bác sĩ chẩn đoán là có rối loạn tự kỷ, tự kỷ chức năng cao, tự kỷ nhẹ hay hội chứng Asperger. Điều này gây nên nhiều nhầm lẫn cho cha mẹ cũng như các chuyên gia và hàm ý rằng cách gọi tên này là những rối loạn khác nhau về mặt lâm sàng và cần có những phương pháp điều trj khác nhau, điều này chưa hẳn là đúng.
Rối loạn tăng động giảm tập trung (ADHD): là rối loạn ở thời thơ ấu hay niên thiếu đặc trưng ở sự thiếu kiểm soát tính bột phát, không thể tập trung, và hiếu động thái quá. Những triệu chứng phức tạp nhất định cùng với những triệu chứng cốt lõi bao gồm khả năng chú ý không đúng độ tuổi, nhận thức lộn xộn, dễ sao lãng, bột phát và hiếu động thái quá, còn được gọi là rối loạn giảm tập trung (ADD) có thể khác nhau trong các trường hợp và thời điểm khác nhau,
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): là có khuynh hướng thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại hay những hành vi mang tính nghi thức để giải tỏa lo sợ.
Nhóm dịch CLB RUBIC
Nguồn: Sách 100 Câu Hỏi Của Cha Mẹ Nuôi Con Tự Kỷ (100 Questions and Answers About Autism: Expert Advice from a Physician/Parent/Caregiver) – Campion Quinn.