Chúng ta hãy thử cùng suy ngẫm xem- quà tặng là gì? Đó vừa là một trò chơi đầy bất ngờ, thú vị, lại vừa là biểu tượng của mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau. Chính vì thế mà chúng ta rất thích tặng quà cho người khác, đặc biệt là cho trẻ em, vì ai mà không muốn ngắm những gương mặt ánh lên vẻ ngạc nhiên và đầy sự sung sướng khi giơ tay ra đón nhận món quà? Nhưng bạn hãy thận trọng, nếu xảy ra tình huống khi cục cưng của bạn chiều nào cũng đón bạn về với một câu hỏi thường trực “Hôm nay mẹ mua gì cho con ạ?”, thì bạn cần xem lại
Đi làm về, bạn thường chứng kiến một cảnh giống hệt nhau, đó là con bạn chạy ngay ra cửa nhưng không phải để đón bạn, mà là để kiễng chân ngó vào chiếc túi xách của mẹ. Bé ỉu xìu và phụng phịu mỗi khi không thấy trong túi có món đồ chơi mới. Nguyên nhân của thái độ này là vì đâu? Đơn giản là vì bé quen được chiều, hay là trong cách giáo dục của bạn có vấn đề? Chúng ta hãy thử cùng xem xét bản chất sự việc
Nội dung chính
Phương án 1: Tặng quà đồng nghĩa với việc bạn nói “Mẹ yêu con!”
Rất nhiều khi bố mẹ cảm thấy hối hận vì mình quá bận rộn mà dành ít thì giờ cho con, bởi thế họ thường “bồi thường tình cảm” cho con bằng cách mua một thứ gì đó, ví dụ như thanh kẹo sô cô la, hay một con thú nhồi bông. Tất nhiên hành động kiểu này của các ông bố bà mẹ cũng có logic nhất định, bởi rõ ràng phải quan tâm tới ai đó chúng ta mới mua quà cho họ. Dần dần trong suy nghĩ của bé hình thành cách nhìn nhận: bố mẹ bận lắm, nhưng vẫn không quên mua quà cho mình, như vậy có nghĩa là bố mẹ rất yêu mình. Và bé sẽ tự suy ra một cách sai lầm rằng: bố mẹ càng yêu thì sẽ càng tặng bé nhiều quà hơn. Cũng có khi bố mẹ không tiếc tiền mua quà cho con, bởi cho rằng hồi bé bản thân họ thiệt thòi không có được những thứ đồ chơi như vậy. Họ muốn “bù đắp” cho con một cách tối đa mà quên rằng, món quà tặng chỉ có giá trị khi chúng ta mong mỏi thật lâu.
Lời khuyên: Hãy thành thật nhìn nhận lại bản thân. Có thể bạn luôn có cảm giác mắc lỗi vì vướng bận việc mà không thực hiện các lời hứa với con, hay trở về nhà quá muộn, khi bé đã đi ngủ. Và quà tặng cho bé chẳng qua là một việc làm khiến lương tâm của bạn không còn bị cắn rứt, để bạn “chuộc tội” với con mình. Kết cục là tình cảm của bố mẹ được thể hiện qua bánh kẹo, quà cáp. Nhưng mong bạn đừng quên rằng những phút bạn ở bên con quý giá tới mức không món quà nào có thể so sánh được. Nên chăng bạn cần dành thì giờ đưa bé đi công viên, tới thăm ông bà, bạn bè, hay chỉ đơn giản là cùng chơi với bé một lúc. Và đừng quên một điều rằng những giờ phút bên con như thế, bạn phải hoàn toàn để tâm tới cục cưng của bạn chứ không phải vừa chơi vừa điện thoại cho ai đó hay là tranh thủ lên kế hoạch cho cuộc họp vào ngày hôm sau.
Nếu quả thực bạn không thể dành nhiều thì giờ ở cạnh con, hãy dành mọi cơ hội ôm bé vào lòng một lát, thơm lên má bé dù chỉ trong thoáng chốc, bởi đó là điều mà không con thú bông nào làm được.
Phương án 2: Quà tặng như một hình thức thưởng – phạt
Bố mẹ yêu con mình một cách tuyệt đối và vô điều kiện. Nhưng đôi khi các món quà được bố mẹ sử dụng với “tư cách” hệt như “chiếc roi” và “thú nhồi bông”, và ta thường thấy các ông bố bà mẹ nói với con thế này: “Nếu con ở nhà với bà ngoan, không nghịch bẩn, ăn hết bát cơm, thì bố mẹ sẽ mua kẹo và đồ chơi cho con, nếu con hư thì chiều về bố mẹ chẳng mua gì hết”. Như vậy về bản chất bố mẹ đã “giao kèo” với con mình rằng chỉ yêu con và tặng quà khi con ngoan. Dần dần bé sẽ tự đoán ra rằng mọi hành vi của bé đều có thể biến thành phương tiện để vòi quà. Và bé sẽ có những câu đại loại như “Nếu con cất đồ chơi vào tủ, bố mẹ sẽ mua kem cho con đúng không ạ?”
Lời khuyên: Đồ chơi và bánh kẹo hoàn toàn không liên quan gì tới cách bé xử sự hằng ngày, bởi vậy đừng bao giờ dùng quà tặng làm “vũ khí” gây áp lực cho con. Quà tặng không phải là phương tiện thể hiện sự khích lệ, lại càng không phải là phương tiện trừng phạt trẻ.
Phương án 3: Của quý bao giờ cũng hiếm
Từ nhỏ, trong mỗi chúng ta đều hình thành một hệ thống giá trị rất riêng cho bản thân. Những giá trị có thể ví như các bậc thang, ở trên những bậc thang trên cùng là những giá trị quan trọng và quý giá nhất với chúng ta. Đối với một số người, đó là hạnh phúc gia đình, trong khi một số người khác lại đặt sự nghiệp lên hàng đầu, hay là sự đầy đủ về vật chất… Thông thường chúng ta sao chép hệ thống giá trị từ cha mẹ và thế giới xung quanh. Đối với một đứa trẻ, cơ sở để phỏng theo là gia đình nơi bé lớn lên. Bởi vậy nếu suốt ngày trong nhà mọi người chỉ nói tới chuyện tiền bạc, nhu cầu mua sắm vật dụng, và bực bội mắng mỏ con mỗi khi bé làm hỏng đồ chơi hay vô tình làm vỡ cốc bát, thì dần dần trong con bạn sẽ hình thành tâm lý của một người thực dụng, trọng vật chất. Và hậu quả là bé sẽ đòi hỏi được tặng quà không phải bởi bé hư, mà bởi vì đó là cách sống của gia đình bạn.
Lời khuyên: Không nên nghĩ rằng trong xã hội hiện đại ngày nay phải dạy con biết cách “cạnh tranh khốc liệt” để đạt được mục đích. Những phẩm chất khác như chí hướng, trí tuệ và khả năng sáng tạo giúp con bạn thành công trong cuộc sống, chứ không phải là lòng ham muốn và mong muốn đạt được mục tiêu bằng bất kỳ giá nào. Song bạn đừng quá nản lòng, bởi hệ thống giá trị của trẻ chỉ hoàn thiện ở tuổi thiếu thời, bởi thế hiện giờ bạn vẫn còn có cơ cải thiện tình thế. Hãy dạy cho con biết vui mừng với những món quà phi vật chất. Ví dụ bạn có thể nói với con “Bố mẹ mang về cho con hôm nay một câu chuyện cổ tích tuyệt vời”, ngày mai có thể là một câu đố hóc búa, ngày kia là ý tưởng cho một trò chơi mới. Đừng sợ nếu ban đầu bạn nhận thấy nét thất vọng trên gương mặt bé, dần dần bé sẽ hiểu và ham thích những món quà này.
Phương án 4: Con chẳng biết chơi trò gì nữa cả!
Thử nhớ lại xem vào những tình huống nào thì bản thân bạn muốn đi shopping? Thường là khi bạn thấy cuộc sống của mình đơn điệu, vô vị và tẻ nhạt. Con bạn cũng có những cảm giác hệt như vậy. Bé thích món quà mới vì cảm thấy quá nhàm chán với những món đồ đang có, hoặc có điều gì đó buồn bực hay cảm giác cô đơn.
Lời khuyên: Bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé buồn chán, phải chăng bạn ít dẫn bé đi chơi hay ít mời khách tới nhà, hay vì chủ nhật nào cả nhà cũng đi dạo ở đúng góc công viên ấy? Một nguyên nhân nữa là trẻ nhỏ chưa biết cách thay đổi và cải tiến trò chơi, vì thế những thứ đồ chơi cũ thường chóng làm bé chán. Hãy dạy bé chơi những trò chơi mới với con búp bê cũ – bé sẽ thích thú với những vai trò mới như đưa búp bê đi chơi, hay chữa bệnh cho búp bê, chứ không chỉ lúc nào cũng chơi một trò chải đầu tết tóc cho búp bê.