Đề tài: Những con vật nuôi trong gia đình (lớp Chồi)
Vật nuôi trong gia đình
Nội dung chính
I – MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
1. Kiến thức:
– Trẻ gọi đúng tên và biết được những điểm rõ nét về cấu tạo, môi trường sống của một số con vật nuôi trong gia đình (có 2 chân, 2 cánh, có mỏ).
– Trẻ biết kể tên các món ăn được chế biến từ thịt và trứng của gà, vịt, chim. Hiểu giá trị dinh dưỡng của chúng.
– Trẻ nhận biết thành thạo các hình cơ bản: hình tam giác, hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông.
2. Kĩ năng:
– Trẻ so sánh và nhận ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa các con vật: gà mái với gà trống, vịt và chim.
3. Thái độ:
– Giáo dục trẻ biết ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh.
II – CHUẨN BỊ:
1. Chuẩn bị cho trẻ:
– Tranh vẽ các con vật (đã cắt các mảnh rời, phía sau có gắn các hình tam giác, hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông các màu).
– Mô hình: trang trại chăn nuôi gồm có: gà mái, gà trống, vịt, chim, ao, chuồng chim, chuồng gà.
– Đàn ghi nhạc đệm bài hát: “Vì sao chim hay hót?”, nhạc và lời: Hà Hải.
2. Chuẩn bị cho trẻ:
– Bảng dạ dính có chia 4 cột cho 4 đội tham gia chơi.
– Rổ đựng lô tô về các con vật nuôi trong gia đình.
– Trẻ thuộc bài hát: “Vì sao chim hay hót?”
– Bốn bộ trang phục gà trống, gà mái, vịt, chim cho trẻ.
3. Đội hình:
– Trẻ ngồi theo hình chữ U.
III – CÁCH TIẾN HÀNH.
1. Ổn định tổ chức, gây hứng thú.
Cô và trẻ cùng hát bài: “Vì sao chim hay hót?”
– Trong bài hát nhắc đến tên những con vật nào? (Con lợn, con vịt, con chim).
– Ngoài những con vật vừa kể, trong gia đình còn có nuôi các con vật gì? (Chó, mèo, ngỗng, ngang, trâu, bò,..)
– Cô mời các con đến thăm 1 gia đình xem có những con vật gì nhé!
2. Nội dung
2.1- Làm quen các con vật.
* Làm quen con gà mái
Cô cho trẻ quan sát mô hình trại chăn nuôi.
Cô đọc câu đố:
“Có cánh mà chẳng biết bay
Đẻ trứng cục tác cục ta từng hồi
Ấp trứng, khi trứng nở rồi
Suốt ngày “cục cục” kiếm mồi nuôi con
Là con gì?” (Con gà mái )
Cô cho trẻ quan sát con gà mái. Cô hỏi trẻ:
– Ai biết gì về con gà mái? (Gà mái có mỏ, nhiều lông, 2 cánh, 2 chân).
Cô dùng thước chỉ vào từng bộ phận mô hình con gà mái và hỏi trẻ:
– Con gà mái có mấy chân?
– Nó có mấy cánh?
Cô giới thiệu: gà mái có 2 chân, 2 cánh, có mỏ, biết đẻ trứng và là vật nuôi trong gia đình.
• Làm quen con gà trống
Cô cho trẻ quan sát mô hình con gà trống.
– Còn đây là con gà gì? (Con gà trống).
– Gà trống và gà mái có điểm gì giống nhau ? (Cùng gọi là gà, có 2 chân, 2 cánh, có mỏ…).
– Gà trống và gà mái có điểm gì khác nhau? (Khác nhau về đặc điểm mào và đuôi…).
Cô cho trẻ nhắm mắt xem con gì biến mất.
Cô cất con gà trống và hỏi trẻ :
– Con gì biến mất?
• Làm quen con chim
Cô đưa mô hình con chim đậu trên cành cây ra và hỏi trẻ:
– Con gì đã xuất hiện?
Cô đưa mô hình con chim đến gần từng trẻ quan sát.
– Ai biết gì về con chim này nào? ( Có mỏ, có 2 cánh, 2 chân, biết bay, biết hót…).
Cô mời 4-5 trẻ trả lời.
Cô cung cấp thêm cho trẻ tên những loại chim biết nói: Chim chào mào, chim họa mi, chim sáo…
Cô tổng kết những đặc điểm đặc trưng của chim.
• Làm quen con vịt
– Các con hãy lắng nghe xem tiếng kêu của con gì đây nhé!
Cô bắt chước tiếng kêu của con vật.
Cô đưa con vịt ra cho trẻ quan sát.
Cô cho trẻ kể đặc điểm của vịt, cô tổng kết các đặc điểm đặc trưng của vịt.
* So sánh: Con vịt và con chim
– Con vịt và con chim có điểm gì giống nhau? (Cùng có 2 chân, 2 cánh, có mỏ, là vật nuôi trong gia đình).
– Con vịt và con chim có điểm gì khác nhau? (Vịt biết bơi, chân có màng, kêu cạp cạp…, chim biết bay, biết hót…).
– Chúng mình vừa kể và so sánh vịt với chim, gà trống với gà mái.
– Ai giỏi nói cho cô và các bạn biết những con vật này có điểm gì giống nhau. ( Cùng có 2 chân, 2 cánh, có mỏ, cùng là vật nuôi trong gia đình, có lợi ích cho mọi người).
– Những con vật này có lợi ích gì cho con người? (Cung cấp thịt và trứng).
– Thịt và trứng của những con vật này thuộc nhóm chất gì? (Nhóm chất đạm).
– Ăn chất đạm có lợi gì? (Giúp cơ thể khỏe mạnh, mau lớn).
– Vậy trong bữa ăn ở trường cũng như ở nhà, các con hãy ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhé!
2.2 Ôn luyện
* Trò chơi “Nghe tiếng kêu, đoán tên con vật”
Các bạn gà trống, gà mái, vịt và chim thấy chúng mình đã nói đúng đặc điểm của các con bạn ấy nên đã tặng cho các con một trò chơi, đó là trò chơi : “Nghe tiếng kêu, đoán tên con vật”.
Cô nêu cách chơi: “Khi cô mở tiếng kêu của một con vật nào thì chúng mình sẽ gọi tên con vật và giơ lô tô con vật đó lên nhé. Cô mời mỗi bạn lấy một rổ lô tô của mình ra nào!”
– Các con đã lấy được lô tô chưa?
– Con gì biết hót, biết bay? (Trẻ giơ lô tô con chim và nói “con chim”)
– Con gì biết bơi, chân có màng? (Trẻ giơ lô tô con vịt và nói “con vịt”)
– Ngoài con vịt biết bơi, con vật gì cũng được nuôi trong gia đình cũng biết bơi? (Con ngang, con ngỗng).
– Con gì biết đẻ trứng? (Trẻ giơ lô tô con gà mái, con vịt, chim và nói tên các con vật).
– Các con vật này thuộc nhóm nào? (Nhóm gia cầm)
– Vậy nhóm gia cầm gồm những con vật nào? (Gà, vịt, chim, ngang…)
• Trò chơi “Thi kể tên các món ăn được chế biến từ thịt và trứng của các con vật”.
Cô chia các trẻ thành 4 đội chơi
Cô nêu cách chơi: ” Mỗi món ăn kể đúng sẽ được thưởng 1 bông hoa gắn vào bảng thành tích của các con. Chúng mình sẽ chia làm 4 đội: Gà mái, gà trống, vịt, chim. Để dành quyền trả lời, các con hãy lắc chuông, đội nào lắc chuông trước, đội đó sẽ được trả lời”.
Cô động viên, khuyến khích các đội kể tên các món ăn. Cô có thể kể 1-2 món ăn được chế biến từ thịt và trứng của các con vật để trẻ tham khảo.
Bốn đội thi đua.
Chơi xong, cô nhận xét kết quả chơi.